Mở rộng cơ hội giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ

Phạm Hà-Chủ nhật, ngày 18/12/2011 11:00 GMT+7

Nhận thức đúng về quyền lợi này của các em là vô cùng quan trọng, bởi chỉ ở môi trường giáo dục hoà nhập với các bạn, trẻ tự kỷ mới có thể tiến bộ và phát huy các khả năng của mình.

Hội chứng tự kỷ mới được chẩn đoán ở Việt Nam gần 10 năm nay nhưng đã phát triển rất nhanh. Hiện có khoảng 240.000 người, trong đó chủ yếu là trẻ em. Vì mới xuất hiện, nên hiểu biết chung của mọi người về hội chứng này còn hạn chế. Những khó khăn mà gia đình và bản thân trẻ tự kỷ phải đối mặt là rất nhiều, đặc biệt là cơ hội đến trường và cùng học tập với các bạn bình thường khác. Chính vì thế, sự kiện Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức một hội thảo về “Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ cấp tiểu học” được xem là một bước tiến quan trọng của ngành giáo dục trong việc đảm bảo quyền được hoà nhập của các học sinh tự kỷ.

Khi con trai được 1 tuổi, chị Linh phát hiện ra cháu bị tự kỷ. 7 năm nay, chị đều phải tự mày mò kiến thức về hội chứng này. Những khó khăn khi nuôi con, dạy con, chị đã dần làm được. Nhưng có một trở ngại ngoài khả năng của chị, đó là việc xin học cho con, từ cấp mẫu giáo cho đến tiểu học. Chị bộc bạch, có trường họ nói họ rất thông cảm, nhưng cơ sở vật chất và hiểu biết của họ chưa có nên không nhận được. Có trường lúc đầu nhận, sau một hôm thấy cháu có hành vi không bình thường họ lại không nhận nữa.
Tại hội thảo “Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ cấp Tiểu học”, lần đầu tiên, Sở Giáo dục Hà Nội có một cuộc gặp giữa đại diện các trường và các phụ huynh. Một điều quan trọng được thừa nhận: Tự kỷ là sự khiếm khuyết về tương tác xã hội, ngôn ngữ, hành vi, sở thích... chứ không phải tự kỷ là rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ, hoặc do cha mẹ không yêu thương, chăm sóc như nhiều người nghĩ. Trẻ tự kỷ vẫn có khả năng phát triển bình thường và có ích cho xã hội. Điều cốt lõi ở đây là trẻ phải được can thiệp sớm và được giáo dục trong môi trường hoà nhập. Hơn 1/3 số trường tiểu học ở Hà Nội đang có học sinh tự kỷ theo học.
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu: “Chúng tôi quán triệt với các nhà trường là tạo mọi điều kiện tiếp nhận trẻ tự kỷ. Phải phân loại đối tượng, nếu cháu nào ở thể quá nặng thì phải có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, tạo điều kiện cho các cháu hoà nhập tốt nhất với các bạn trong trường”.
Nhưng cái khó với các thầy cô giáo là khi trong lớp có học sinh bị tự kỷ, áp lực sẽ tăng lên. Đại diện của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, vấn đề sẽ được giải quyết nếu quan niệm giáo dục thay đổi.
PGS.TS Lê Văn Tạc - GĐ Trung tâm giáo dục đặc biệt - Viện khoa học giáo dục Việt Nam phân tích: “Hiện nay, chúng ta thường đánh giá theo dạng sĩ số học sinh là bao nhiêu khá giỏi sẽ gây áp lực cho giáo viên. Giáo viên thì luôn muốn mình không thua kém các giáo viên khác nên áp lực rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cách đánh giá khác đi. Sau một năm học, học sinh của lớp trưởng thành được như thế nào, như vậy các giáo viên sẽ bớt áp lực”.
Hai năm nay, trường tiểu học Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội bắt đầu tiếp nhận học sinh bị hội chứng này và đến hiện tại, các lớp học vẫn hoạt động bình thường. Cô Trần Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm của một lớp có 2 em bị tự kỷ cho biết: “Trong những tiết học, các cháu hoà đồng với các bạn, tham gia các tiết học bình thường, dù có thể chậm hơn so với các bạn. Khả năng đọc của các cháu cũng tốt hơn”.

Cánh cửa đến trường của những trẻ tự kỷ đã rộng mở. Nhận thức đúng về quyền lợi này của các em là vô cùng quan trọng, bởi chỉ ở môi trường giáo dục hoà nhập với các bạn, trẻ tự kỷ mới có thể tiến bộ và phát huy các khả năng của mình.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước