Có tới 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường. Đối với các trường học ở nông thôn thì con số này lên tới 88%. Nhà vệ sinh bẩn là nỗi sợ hãi của nhiều em học sinh, và các em chỉ có duy nhất một lựa chọn là nhịn nhu cầu của mình lại khi ở trường.
Bác sĩ Phạm Văn Tú, Phó khoa vi sinh - miễn dịch, Viện Pasteur TP.HCM cho biết: “Các em đang ở độ tuổi nghịch ngợm, việc lây truyền các bệnh, trong đó đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến”.
Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, huyện Hóc Môn, TPHCM, mặc dù là một trường tiểu học nằm không cách xa trung tâm thành phố nhưng từ nhiều năm nay, khu vực nhà vệ sinh luôn là nỗi ám ảnh của các học sinh trong trường. Nhưng giờ thì mọi thứ đã thay đổi. Nhà vệ sinh mới vừa được hoàn thiện. Đây là nhà vệ sinh thứ 15 được xây mới theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế được dành tặng cho các em học sinh trên cả nước.
Tính đến nay, sau gần 3 năm triển khai, chương trình đã tiến hành vệ sinh cải tạo sạch sẽ hơn 3.000 nhà vệ sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc. Chương trình cũng đã thu hút được hơn 20.000 tình nguyện viên tham gia, nhiều nhà vệ sinh sạch khuẩn tại nhiều trường học trên cả nước đã được xây mới với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng do Bộ Y Tế phối hợp và Unilever Việt Nam thực hiện. Điều này đã không chỉ giúp cải thiện vệ sinh học đường và sức khỏe cho học sinh mà nó còn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của các em.
Theo kế hoạch của chương trình xây mới và làm sạch các nhà vệ sinh trường học thì ngay trong năm tới sẽ có khoảng hơn 1.000 nhà vệ sinh được xây mới và làm sạch. Từ đó, mục tiêu 100% nhà vệ sinh học đường sạch khuẩn sẽ từng bước được thực hiện để đảm bảo môi trường học tập và sức khỏe cho mọi đối tượng học sinh trên địa bàn cả nước
Nhiều học sinh đang có thói quen nhịn uống nước, nhịn tiểu tiện và đại tiện, điều này có nhiều tác hại. Khi uống ít nước, cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút. Cùng với nhịn uống nước, nhịn tiểu tiện là một thói quen rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Nếu nhịn lâu, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là bàng quang.
Mặt khác, việc nước tiểu lắng đọng lâu trong bàng quang còn làm lắng cặn, góp phần tạo sỏi đường niệu, gây đau đớn cho bệnh nhi. Việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt. Một tác hại nữa của thói quen này là trẻ sẽ căng thẳng, khó tập trung vào học tập.
Còn nếu nhịn đại tiện, sẽ nhanh chóng gây táo bón. Táo bón lâu ngày là một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn đến bệnh trĩ. Do đó, các bác sĩ khuyên nên tìm cách đáp ứng nhu cầu đại tiện ngay khi có nhu cầu, tốt nhất là tạo thói quen đi vào một giờ nhất định.