Ê-kíp "Nagasaki tôi yêu" đến thăm mộ của Công nữ Ngọc Hoa - người vẫn được người dân Nhật Bản gọi là Công nữ Anio. (Ảnh: Chương trình cung cấp)
Trong tập đầu tiên của "Nagasaki tôi yêu" - bộ phim tài liệu hợp tác giữa Đài THVN và Đài truyền hình KTN Nhật Bản - khán giả đã được khám phá Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki. Đây là nơi trưng bày về lịch sử giao lưu giữa Nagasaki và thế giới, một nơi lưu trữ rất nhiều tư liệu lịch sử quý giá. Điều đặc biệt, cuộc gặp gỡ giữa ông Dohihara Hirohisa, một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Nagasaki, đã giúp không chỉ người dẫn chương trình Thuỳ Linh mà rất nhiều khán giả hiểu hơn về bảo tàng cũng như những đồ vật được trưng bày tại đây.
Không chỉ xuất bản rất nhiều sách về lịch sử, ông Dohihara Hirohisa còn từng tham gia nhiều chương trình lịch sử ở Nagasaki với vai trò là chuyên gia.
Trước câu hỏi của MC Thuỳ Linh về Công nữ Ngọc Hoa - người vẫn được người dân Nhật Bản vẫn gọi thân thuộc là công nữ Anio - về thời kỳ công nữ Ngọc Hoa sinh sống cũng như cách Công nữ đã đi từ Việt Nam đến Nagasaki... ông Dohihara cho biết: "Công nữ Ngọc Hoa là con gái nuôi của chúa Nguyễn hồi thế kỷ 17. Còn Araki Sotaro là thương nhân Nhật Bản. Đặt trụ sở ở Nagasaki, ông đã thực hiện giao thương với nhiều nước ở Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam bằng phương tiện di chuyển là thuyền Châu Ấn. Và khi đến Việt Nam, ông đã nhận được sự tín nhiệm của chúa Nguyễn, vì vậy ông đã kết hôn với công nữ Ngọc Hoa (hay còn được gọi tên Nhật Bản là Anio)".
Ông Dohihara Hirohisa, một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Nagasaki.
"Cả hai đến Nagasaki vào năm 1619" - ông Dohihara nói tiếp - "Từ Việt Nam sang Nagasaki là khoảng 3 nghìn km và cả hai đã lênh đênh trên biển mất tới 33 ngày".
Cũng theo ông Dohihara, lễ rước dâu của Công nữ Ngọc Hoa lúc đó rất hoành tráng.
"Và vì vậy, đến bây giờ vẫn được lưu truyền những câu chuyện về lễ rước dâu này" - ông Dohihara nói thêm.
Tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Nagasaki còn lưu giữ lại 2 món đồ của Công nữ. Đó là chiếc gương mà công nữ đã mang từ Việt Nam sang Nagasaki.
Chiếc gương của Công nữ Ngọc Hoa tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki.
"Chiếc khung bên ngoài được trang trí theo phong cách Nhật Bản. Khung được làm từ sơn mài có họa tiết rùa và hạc đều là những biểu tượng cho sự may mắn cũng như là lời chúc cho một cuộc sống dài lâu".
Ông Dohihara nói về chiếc gương của Công nữ Ngọc Hoa và ý nghĩa của những hoạ tiết khung gương.
Ngoài chiếc gương còn một món đồ khác của Công nữ Ngọc hoa là bản dịch thư của chúa Sãi gửi ông Sotaro với nội dung bảo lãnh việc giao thương của ông Sotaro tại Việt Nam.
"Bức thư của chúa Sãi đã được đem về Nhật Bản và do phía Nhật Bản dịch lại để lưu trữ cũng như công nhận tình cảm thắm thiết của chúa Sãi đối với ông Sotaro" - ông Dohihara nói.
Bức thư của chúa Sãi là món đồ thứ 2 gắn với Công nữ Ngọc Hoa vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki.
Ngoài Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki, một địa danh khác cũng được MC Thuỳ Linh và người bạn đồng hành của mình ghé đến là địa danh Dejima - một di tích lịch sử của Nagasaki. Nơi đây tượng trưng cho một Nagasaki xưa kia phồn thịnh với vai trò là thương cảng quốc tế của Nhật Bản.
Thời điểm Công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) mới sang đây, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, nghiêm khắc hạn chế giao thương với nước ngoài. Tuy nhiên, Dejima, một hòn đảo nhỏ hình chiếc quạt đã được xây dựng trên biển, nơi duy nhất được đặc cách thực hiện giao thương với nước ngoài. Đây là nơi nhập khẩu nhiều mặt hàng được xem là rất hiếm đối với Nhật Bản vào thời đó.
Theo anh Karasuyama: “Hiện nay, đảo “Dejima” đã phục chế lại một số toà nhà của đầu thế kỷ 19, tái hiện lại quang cảnh của thời kỳ đó. Nên đi dạo ở đây cứ có cảm giác như du hành ngược về quá khứ của Nhật Bản vậy".
Cũng theo anh Karasuyama, khi các du khách đến đây họ có thể thuê “Kimono” mặc đi dạo phố.
Để biết nhiều hơn những điểm MC Thuỳ Linh đã trải nghiệm khi đến Nagasaki và những nơi cô đã ghé đến, bạn có thể xem trong video dưới đây. (Và nếu bạn đã bỏ lỡ tập 1 của "Nagasaki tôi yêu" thì bạn càng cần nên xem).
Phim tài liệu: Nagasaki tôi yêu - Tập 1
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!