Tuy nhiên hiện nay, việc bảo vệ động, thực vật hoang dã gặp nhiều thách thức không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).
Phóng viên (PV): Là một trong những tổ chức môi trường đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, môi trường; đặc biệt các loài động vật hoang dã (ĐVHD); bà có thể chia sẻ về một số hoạt động lớn ENV đã thực hiện trong năm qua, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ về sự cần thiết bảo vệ các loài ĐVHD?
Bà Nguyễn Phương Dung: Trong năm qua ENV đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ ĐVHD như: Cuộc thi vẽ tranh “Hành động vì động vật hoang dã”. Cuộc thi đã nhận được hơn 155.000 tác phẩm dự thi. Sự thành công của cuộc thi vẽ tranh đã cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ ĐVHD. Qua cuộc thi, hàng ngàn thông điệp đã được lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai về vấn đề này.
Tiếp đến là Giải “Chạy vì tê giác” 2015 nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn thảm sát tê giác, đồng thời gây quỹ cho chiến dịch giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác của ENV. Sự kiện ý nghĩa này đã thu hút hơn 500 người Việt Nam và nước ngoài tham gia, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn thảm sát tê giác để lấy sừng nhằm phục vụ nhu cầu chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp ở Việt Nam. Sự kiện quy tụ các nhóm chạy là đại diện các Đại sứ quán tại Hà Nội như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan và các đối tác doanh nghiệp của ENV như Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi, Công ty Cổ phần Thương mại chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO) và Công ty Cổ phần Thể thao và Giải trí Club M. Sự kiện có sự hiện diện của Đại sứ Anh – ngài Giles Lever, đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam...
Năm 2015, ENV phát hành 6 phim ngắn truyền thông bảo vệ ĐVHD. Các phim ngắn này đã được hơn 70 kênh truyền hình trung ương và địa phương như VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab), Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), Truyền hình An Viên (AVG), Kênh giải trí trên tàu hỏa (RailTV) liên tục phát sóng. Đặc biệt, các phim ngắn trên còn nhận được sự đóng góp tích cực của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, danh hài nổi tiếng tham gia nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ ĐVHD tới đông đảo người hâm mộ và công chúng.
ENV cũng tổ chức Mạng lưới Câu lạc bộ Bảo vệ ĐVHD. 15 câu lạc bộ bảo vệ ĐVHD đã được thành lập trên 15 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ. Các câu lạc bộ này được đào tạo để có thể tự tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, tiến hành điều tra và theo dõi hoạt động của các cơ sở kinh doanh có liên quan đến đến buôn bán thương mại ĐVHD. Với sự hoạt động tích cực của các câu lạc bộ, 96 triển lãm bảo vệ ĐVHD và 30 triển lãm bảo vệ gấu đã được tổ chức trong năm 2015, hàng nghìn vi phạm tại các cơ sở kinh doanh được khảo sát. Các tình nguyện viên cũng chính là "tai mắt" của ENV tại hiện trường, thông báo các vi phạm mới và giúp giải cứu nhiều cá thể ĐVHD quý, hiếm.
Năm 2015, ENV đã thành công trong việc hợp tác với hai hệ thống rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam bao gồm công ty TNHH truyền thông Bạch Kim M.V.P (Platinum Cineplex) và BHD star Cineplex quảng bá đường dây nóng 1800 1522 qua màn hình LCD và chiếu phim ngắn bảo vệ ĐVHD trong các phòng chiếu phim trước giờ công chiếu phim chính. Bên cạnh đó, ENV tiếp tục đặt các bảng thông điệp bảo vệ ĐVHD tại bốn trung tâm thể hình và hệ thống showroom ô tô của ba hãng xe hơi nổi tiếng. Bên cạnh đó, khách sạn chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng Victoria, Pullman Hà Nội và Caravelle Sài Gòn cùng du huyền cao cấp Bhaya Hạ Long đã cùng ENV đưa thông điệp bảo vệ các loài ĐVHD tới đông đảo nhân viên và khách hàng.
Tính đến hết tháng 12 năm 2015, 339 bảng thông tin và 212 băng rôn đã được trưng bày ở trên 104 cơ quan nhà nước và 54 chợ tại 15 tỉnh thành lớn trên khắp cả nước. Qua đó, ENV khuyến khích cộng đồng thông báo các vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam thông qua đường dây nóng miễn phí 1800 1522, qua email hay qua ứng dụng ENV- SOS động vật hoang dã trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android.
PV: Ở Việt Nam, tình trạng hổ, gấu chủ yếu bị giết, buôn bán để nấu cao vẫn còn nhiều. Theo bà, cần giải pháp gì để giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật trên?
Bà Nguyễn Phương Dung: Để giải quyết được nạn săn bắn, buôn bán ĐVHD cần có một chiến lược toàn diện bao gồm cả các hoạt động giảm thiểu nhu cầu, tăng cường thực thi pháp luật và hoàn thiện, thể chế, chính sách có liên quan.
Đây cũng là 3 chương trình trọng tâm ENV đã thực hiện trong nhiều năm qua. Riêng với các chương trình giảm thiểu nhu cầu sử dụng ĐVHD, trong thời gian tới ENV tiếp tuc đẩy mạnh hoạt động sản xuất và hợp tác với các đài truyền hình, các công ty truyền thông để đưa thông điệp bảo vệ ĐVHD lan tỏa đến nhiều đối tượng. ENV tiếp tục mở rộng mạng lưới tình nguyện viên (TNV) vì các em chính là các tuyên truyền viên tích cực tại địa phương để góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Sang năm 2016, chúng tôi triển khai thêm nhiều hoạt động bảo vệ tê tê, một loài thú bị săn bắt nhiều nhất hiện nay nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Chúng tôi kêu gọi mỗi người dân Việt Nam đều có thể trở thành "Chiến binh bảo vệ tê tê". Ngoài ra, ENV cũng sẽ tăng cường sự kết nối với các nhà báo để vấn đề bảo vệ ĐVHD luôn được chú trọng, huy động sự tham gia của cộng đồng.
Cuối tháng 1/2016, ENV sẽ tiến hành sản xuất phim ngắn bảo vệ gấu do người mẫu Thúy Hằng cũng 2 thành viên trong gia đình tham gia. Phim ngắn trên nằm trong chiến dịch truyền thông giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD do ENV thực hiện.
PV: Bên cạnh việc các bạn trẻ có ý thức bảo vệ ĐVHD thì một số bạn còn tỏ ra thờ ơ. Năm 2015 trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh voọc, khỉ, tê tê… bị giết lan truyền nhanh chóng, mang tính mua vui, giải trí hay việc mua cá thể cu li về nuôi nhốt. Bà nghĩ sao về những hành động này?
Bà Nguyễn Phương Dung: Trong khi có hàng ngàn bạn trẻ tham gia vào các hoạt động bảo vệ ĐVHD như Mạng lưới TVN của ENV với hơn 5.500 thành viên thì vẫn còn nhiều bạn trẻ hiện nay khá thờ ơ với vấn đề bảo vệ ĐVHD. Thậm chí tệ hơn, có những trường hợp như chúng ta đã biết. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật bảo vệ ĐVHD có thể khắc phục được, tuy nhiên tôi đang nói đến ý thức, đến những hành vi giết khỉ của một số bạn trẻ. Tôi cho rằng những hành động này thể hiện sự vô cảm của một bộ phận thế hệ trẻ. Những hành vi này cần phải bị cả xã hội lên án và có những hình phạt thích đáng để tạo tính răn đe. Năm 2016, ENV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ ĐVHD.
PV: Xin cảm ơn bà!