Năng lượng tích tụ từ biến đổi khí hậu tương đương 25 tỷ quả bom nguyên tử

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 14/05/2023 12:16 GMT+7

VTV.vn - Trong 5 thập kỷ qua, vấn đề nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng và các nhà khoa học đã ước đoán năng lượng mà nó tích tụ trên hành tinh này.

Một nghiên cứu quốc tế được công bố trên Tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái Đất tiết lộ, từ năm 1971 đến năm 2020, nóng lên toàn cầu đã tích tụ một lượng năng lượng khổng lồ với 380 zetta joules (380 theo sau là 21 số 0). Nó tương ứng với 25 tỷ lần năng lượng của quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến Hai. Các nhà khoa học cho biết, Trái Đất liên tục nóng lên nhanh chóng trong 5 thập kỷ qua khiến đất, biển, đại dương, bầu khí quyển và tầng đông lạnh (nơi đóng băng trên hành tinh) ấm lên.

Theo báo cáo từ Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) ngày 20/3, nguyên nhân dẫn đến nóng lên toàn cầu là do các hoạt động của con người chủ yếu là việc chúng ta phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính. Điều này dẫn đến những thay đổi khí hậu chưa từng có đối với hành tinh, đi kèm với những hậu quả tai hại cho hệ sinh thái và các sinh vật sống.

Đáng chú ý, lượng năng lượng mà hành tinh chúng ta lưu trữ chỉ chiếm khoảng 60% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc sự hủy hoại của con người đối với Trái Đất thậm chí còn cao hơn nhiều.

Năng lượng tích trữ ở đâu?

Theo nghiên cứu, khoảng 89% năng lượng trên được biển và đại dương hấp thụ, 6% lưu trữ trong đất, 4% ở tầng đông lạnh và bầu khí quyển là 1%. Lưu ý rằng, chỉ 1% năng lượng trên trong bầu khí quyển cũng đủ khiến nhiệt độ trung bình trên Trái Đất nóng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, phần lớn nhiệt được biển và đại dương giữ lại nằm ở trong khoảng 1 km phía trên, đây (đại dương) được ví như một kho lưu trữ nhiệt khổng lồ giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Nếu không có nó, nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ cao hơn nhiều.

Đổi lại, kho lưu trữ này đã dẫn đến sự gia tăng lớn về nhiệt độ bề mặt nước làm băng ở các cực tan chảy nhanh hơn, phá hủy hệ sinh thái biển và chúng tăng cường sức mạnh cho các cơn bão nhiệt đới, xáo trộn của các dòng hải lưu gây thiệt hại nặng nề đối với con người.

Các nhà khoa học cảnh báo, đã đến lúc chúng ta nhận ra biển và đại dương trên thế giới sẽ không thể đóng vai trò lưu trữ này vô thời hạn, các quốc gia phải nghiêm túc trong việc giảm lượng khí thải nhà kính nếu không muốn vấn đề nóng lên toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Mục tiêu chính là đảm bảo sự sống còn cho nhân loại, đặc biệt là các thế hệ tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước