Có "độ lệch” trong nhận thức về biến đổi khí hậu

P.V-Thứ sáu, ngày 24/09/2021 20:28 GMT+7

Kết quả khảo sát có tính chất tham khảo của Epson

VTV.vn - Nghiên cứu mới nhất do Epson thực hiện cho thấy “độ lệch” rõ rệt giữa nhận thức về biến đổi khí hậu và sự hiểu biết đối với những ảnh hưởng tàn khốc từ thực trạng này.

Cuộc khảo sát thu thập ý kiến về trải nghiệm và nhận thức đối với tình trạng biến đổi khí hậu từ 15.264 khách hàng, người tiêu dùng ở khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát này dự kiến sẽ được mang ra thảo luận tại sự kiện COP 26 (Hội nghị về Biến đổi khí hậu) diễn ra vào tháng 11/2021 sắp tới.

Theo kết quả khảo sát, hơn một nửa số người (56,4%) tham gia khảo sát tại Đông Nam Á lạc quan cho rằng chúng ta sẽ kiểm soát được thảm họa khí hậu trong quãng đời của họ.

Với những người lạc quan, những lý do phổ biến nhất được nêu ra cho sự lạc quan này là niềm tin về việc con người nhận thức tốt hơn về những mối nguy hiểm liên quan đến biến đổi khí hậu (35,8%) và cơ hội sử dụng khoa học cũng công nghệ để giải quyết các vấn đề liên quan (29,2%).

Ở nhóm còn lại, chỉ có 15,7% người tham gia khảo sát tỏ ra bi quan về khả năng họ sẽ ngăn chặn được thảm họa về biến đổi khí hậu. Xét ở mức tổng thể, những người bi quan chủ yếu tin rằng con người không nhận thức được những nguy hiểm từ biến đổi khí hậu (41,4%) hay cảm thấy đang thiếu các hành động từ cơ quan chính phủ (22,4%).

Câu hỏi thực tế: Chúng ta đang ở đâu?

Khảo sát cho thấy sự lạc quan có thể là hậu quả từ việc không nhận diện được vấn đề biến đổi khí hậu và quy mô ảnh hưởng. Tại Đông Nam Á, có thể kể đến một số hiện tượng quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu như số lượng ngày một tăng của các cơn lũ (80,4%), cháy rừng (79,7%) và nhiệt độ cao hơn (79,2%), thời tiết khắc nghiệt hơn (77,5%) và tình trạng mực nước biển dâng cao (73,1%). Song song đó, ít ảnh hưởng nhất đến tình trạng biến đổi khí hậu là sự bùng phát của côn trùng (49,2%), tan băng vĩnh cữu (53,4%), tình trạng động vật di trú hàng loạt (60,5%) và nhiều ca tử vong tại các thành phố do tình trạng nắng nóng (64%).

Ông Siew Jin Kiat, Giám đốc Điều hành Khu vực của Epson Singapore (Trụ sở chính vùng Đông Nam Á - SEA) cho biết: "Tình trạng khẩn cấp về môi trường diễn ra ngay trước mắt chúng ta, đây thực sự là mối lo ngại vì có quá nhiều người dân trong khu vực đã không nhận thức được thực trạng biến đổi khí hậu. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta cần hành động cùng nhau và hành động thật nhanh. Áp lực này đang gây sức ép lên các chính phủ, tổ chức doanh nghiệp và mỗi cá nhân để cùng nhau đưa ra quyết định và truyền cảm hứng cho những kế hoạch hành động nhanh chóng để qua đó làm giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu".

Trách nhiệm thực tế: Ai sẽ hành động?

Nhiều người nhìn nhận rằng trách nhiệm giải quyết tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu thuộc về chính quyền và các nhà hoạt động trong ngành - lĩnh vực liên quan. Trong khảo sát của Epson, gần 1/3 người tại Đông Nam Á (32%) tin rằng đó là trách nhiệm của chính phủ và 14,7% tin rằng đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, có 2,8% người tham gia khảo sát cho biết họ không tin việc tình trạng biến đổi khí hậu đã trở nên khẩn cấp.

Kết quả khảo sát này cũng đã cho thấy sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các ý tưởng liên quan đến trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể. Đáng chú ý, những người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á (27%) cho rằng cá nhân họ chính là những người nhận trách nhiệm, trong đó 18% người tin rằng tất cả chúng ta có trách nhiệm, bao gồm cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và kể cả cá nhân.

Xét ở góc độ đơn lẻ, con người đang thực hiện các hành động để xoa dịu tình trạng biến đổi khí hậu. Khảo sát của Epson cho thấy ngày càng có nhiều người đi bộ và sử dụng xe đạp thường xuyên hơn (63,8%), giảm sử dụng nhựa (67,5%) và nâng cao thói quen sử dụng các vật dụng có thể tái chế (57,3%).

Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa những việc mà chúng ta sẵn lòng thực hiện, góp phần không nhỏ để đạt đến các mục tiêu về giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu ở tầm quốc gia lẫn toàn cầu. Hiện nay, người dân ở khu vực Đông Nam Á khá cởi mở trong việc chuyển sang các thói quen mới như sử dụng xe điện, trang bị các tấm panel năng lượng mặt trời và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên việc hạn chế các chuyến bay quốc tế phục vụ công việc lẫn vui chơi, và chuyển sang chế độ ăn có nguồn gốc thực vật vẫn còn đó một số ý kiến trái chiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước