Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn nhằm lan tỏa văn hóa đọc, khuyến khích phong trào đọc sách. Các chuỗi hoạt động tập trung tổ chức từ ngày 15/4 đến ngày 1/5, với thông điệp: Sách hay cần bạn đọc, Sách quý tặng bạn, Tặng sách hay - Mua sách thật, Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.
Các hoạt động rộng khắp để khuyến khích văn hóa đọc
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, rất nhiều hoạt động được tổ chức như: các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc; chia sẻ thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số để khuyến khích việc đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo…; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet… Ngoài ra còn có những hoạt động thường niên được triển khai rộng khắp trên cả nước như: tuyên truyền giới thiệu sách; kể chuyện, vẽ tranh theo sách; tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện; tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản; ký tặng sách; quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới,...
Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Để phát triển phong trào đọc sách, tháng 7/2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, bạn đọc Thủ đô, đồng thời khuyến khích độc giả yêu thích đọc sách giấy đến với thư viện nhiều hơn. Theo thống kê của Thư viện Hà Nội: Số Thẻ thư viện năm 2023 là 40.255, tăng 30% so với năm 2022 (28.028 thẻ); Số Lượt bạn đọc đến thư viện năm 2023 là 2.845.109, tăng 15% so với năm 2022 (2.426.339 lượt).
Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, việc triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội được nâng cao, thấy được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với con người; khơi dậy lòng ham đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên; sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm nghe nhìn đa dạng, hấp dẫn khiến thói quen đọc sách của nhiều người thay đổi đáng kể.
“Để thu hút và giữ chân được bạn đọc đến sử dụng thư viện thường xuyên, liên tục đòi hỏi mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn Hà Nội phải luôn luôn đổi mới, tăng tính hấp dẫn của các hoạt động và dịch vụ thư viện, đồng thời phát triển nguồn lực thông tin đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân Thủ đô” - Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ.
Số liệu thống kê trước đây cho thấy, chỉ có 21% người Việt Nam đọc sách trong một năm và tỷ lệ đọc sách là 1,4 đầu sách/người/năm. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê các chỉ số phục vụ bạn đọc đã có những tín hiệu tích cực: Lượt cấp thẻ, lượt người đọc sử dụng thư viện, lượt tài liệu luân chuyển đều tăng từ 10 - 15%, trong đó chỉ số về lượt bạn đọc đến thư viện có sự gia tăng đáng kể; 70 - 75% số lượng học sinh sinh viên tiếp cận với thư viện cộng cộng và khoảng 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận với thư viện trong cơ sở giáo dục; số lượng các xuất bản phẩm được xuất bản hàng năm gia tăng với hơn một triệu bản/năm; các hình thức xuất bản phong phú và hấp dẫn hơn, tổng số bản sách/đầu người được nâng lên 4,6 bản/người.
Nuôi dưỡng tình yêu sách ở làng quê
“Trẻ em có thể tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách” - Đó là kim chỉ nam để một thư viện cộng đồng ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội hoạt động suốt 10 năm qua. Thư viện được lập nên bởi nhóm các bạn trẻ luôn hướng về quê hương mà tiên phong là anh Phùng Bá Hưng. Hiện tại, anh Hưng đang du học ngành thư viện ở Mỹ nên công việc được giao cho các cộng sự và tình nguyện viên ở Việt Nam duy trì.
Nhìn lại ngày mới thành lập, những con số khiêm tốn về lượng sách, về số tình nguyện viên và độc giả ít ỏi, không mấy ai có thể hình dung được thành quả ở thời điểm hiện tại: 10 năm phục vụ, quy mô nhân sự lên đến 100 người; tổ chức hơn 200 sự kiện; phát hành 3.500 thẻ bạn đọc; có 9.000 lượt mượn sách/năm; sở hữu hơn 10.000 tài liệu... Bên cạnh việc duy trì hoạt động thư viện, các bạn trẻ thường truyền lửa cho nhau thông qua các chương trình dã ngoại, hoạt động nhóm, trau dồi kỹ năng sống, các lớp tin học văn phòng… Đến nay, thư viện Dương Liễu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người dân, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Thư viện Dương Liễu với không gian hiện đại, thu hút nhiều trẻ em, thanh niên và cả người lớn tuổi đến đọc sách.
Còn thư viện trên cây ở Trường Tiểu học Thị trấn Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là một điển hình trong phát triển văn hóa đọc tại trường học. Thư viện độc đáo này có hơn 1,000 đầu sách đa dạng, cách thiết kế hiện đại, kết hợp thêm các góc vui chơi, vận động như tường tập leo núi, dây leo đơn giản,… thu hút học sinh vào những giờ ra chơi. Điều ấn tượng khi đến với ngôi trường này còn là tình yêu sách và sự nhiệt huyết của giáo viên. Chính các thầy cô là những người thích đọc sách, trưởng thành từ sách nên luôn đau đáu với nguyện vọng giúp học sinh của mình tiếp cận được với thật nhiều sách hay. Cô giáo Trần Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Vĩnh Tường hạnh phúc chia sẻ: “Thư viện này là tâm huyết, tình cảm của những người con xa quê đã từng là học sinh của trường Tiểu học TT Vĩnh Tường, sau khi các anh chị trưởng thành, muốn phát triển văn hóa đọc cho nhà trường. Từ khi có thư viện ngoài trời đẹp mắt, tỉ lệ học sinh đến đọc sách ngày càng nhiều, 100% học sinh đến nhiều lượt khác nhau trong một năm học.”
Thư viện trên cây với không gian gần gũi thiên nhiên, nhiều ánh sáng Mặt trời đã giúp các em học sinh có cảm hứng vui chơi, đọc sách, trao đổi cùng bạn bè. Thành quả là nhiều em đã đạt giải cao trong các cuộc thi kể chuyện cấp tỉnh, trở thành Đại sứ văn hóa đọc để tiếp tục lan tỏa tinh thần tốt đẹp ấy tới mọi người xung quanh.
Thư viện trên cây độc đáo truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh tại Vĩnh Phúc.
“Thư viện mùa xuân” đưa sách về cho trẻ em Tây Nguyên
Ở thành phố, việc tiếp cận với sách sẽ dễ dàng và nhiều sự lựa chọn. Nhưng tại những bản làng vùng sâu vùng xa, sách dường như là món quà quý báu và mới mẻ đối với trẻ thơ. Đó cũng là lý do cho nhiều dự án thiện nguyện cộng đồng về sách được ra đời. Từ năm 2022, “Thư viện mùa xuân” với hình ảnh đặc trưng là chiếc xe sách lưu động đã mang đến tia nắng ấm áp cho các học trò ở Tây Nguyên.
Người sáng lập dự án này là anh Phạm Thanh Tuấn, sinh năm 1985, quê ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Năm 2019, anh Tuấn rời TP. Hồ Chí Minh để về quê nhà Buôn Ma Thuột làm việc trong một công ty về truyền thông, sự kiện. Anh có cơ duyên làm dự án cải tạo con đường ở trung tâm thành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, từ đó gắn bó với sách. Năm 2020, sau những chuyến gom sách từ thành phố về các bản vùng sâu vùng xa, anh Tuấn thấy mình hợp với các hoạt động cộng đồng nên quyết định mở một doanh nghiệp xã hội gắn với giáo dục.
Anh Phạm Thanh Tuấn - sáng lập dự án "Thư viện mùa xuân" đã gắn sứ mệnh của mình với công tác phát triển văn hóa đọc cho trẻ em miền núi.
Chia sẻ về ý tưởng chọn một chiếc xe sách lưu động, anh Tuấn cho biết: “Mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài 6 tháng, đường đất đỏ, sình lầy nên mình nghĩ đến một chiếc xe vừa chở sách vừa chở được quà thì tốt. Sau khi tìm hiểu thì thấy có xe bán hàng lưu động có thể cải tạo rất phù hợp. Bắt đầu lăn bánh từ tháng 6/2022, đến nay xe đã đến được hơn 50 trường học ở các tỉnh Tây Nguyên”.
Trung bình mỗi tháng, “Thư viện mùa xuân” sẽ đi tới một điểm trường, tặng 300 – 500 đầu sách làm thành các tủ sách nhỏ trong mỗi phòng học. Ngoài ra, xe lưu động chở khoảng 2000 đầu sách sẽ đặt tại sân trường để các em tự do khám phá. Điều đặc biệt, Dự án chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm, tương tác, bởi theo anh Tuấn, những trò chơi có quà sẽ kích thích việc đọc sách của các em hơn rất nhiều. Theo đó mỗi chương trình, Ban tổ chức sẽ sắp xếp 7 màu sắc tương đương với 7 trạm trải nghiệm khác nhau như: chơi cờ, lắp ghép, vẽ tranh, hỏi đố,… Sau khi đọc sách, các em học sinh thu hoạch bằng việc viết cảm nhận hoặc giao lưu trả lời cùng các anh chị tình nguyện viên để được nhận quà. Chính giáo viên chủ nhiệm cũng là những tình nguyện viên đắc lực trong việc điều hành trò chơi.
Nhiều hoạt động được tổ chức để các em nhỏ được vui chơi và tiếp cận với sách một cách tự nhiên.
Những giá sách nhỏ được đặt ở các lớp học nhằm kích thích sự ham đọc sách của học sinh.
Sau những chuyến đi mang tri thức đến với học sinh vùng khó, anh Thanh Tuấn nhận ra rằng, không thể áp đặt sở thích của mình vào con trẻ mà phải có những cách khéo léo để giúp các em hứng thú với việc đọc. Nếu các em chưa thích đọc sách thì cần lồng ghép những hoạt động bên lề để chúng chủ động muốn chạm vào sách. Những yếu tố cần thiết để phát triển văn hóa đọc là: môi trường, tài nguyên sách và đặc biệt là con người. Chính thầy cô, các tình nguyện viên yêu sách, yêu trẻ sẽ giúp truyền cảm hứng và khuyến học cho các em.
Có người từng nói: “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy con một cuốn sách hay”. Mỗi cuốn sách sẽ trở thành người bạn tốt, giúp nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và mở ra cho trẻ nhỏ những bầu trời mới. Hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều dự án thư viện được thực hiện để chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!