Nghệ nhân với bức tranh thêu thơ bằng 14 thứ tiếng

Anh Phương-Thứ sáu, ngày 29/10/2010 12:05 GMT+7

Với tình yêu quê hương thiết tha, sâu đậm và gắn trọn đời mình với những cảnh sắc và con người xứ Huế cùng mong muốn đem văn hóa, cảnh đẹp của quê hương mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh đã không ngừng sáng tạo những bức tranh thêu đầy màu sắc và ý nghĩa. Nổi bật là bức tranh thêu thơ được dịch ra 14 thứ tiếng.

Từ lâu, người dân đất cố đô đã nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống. Với bàn tay tài hoa và tâm hồn giàu cảm xúc, các nghệ nhân đã tạo ra những tác phẩm đầy màu sắc, sống động và ý nghĩa.

Với sự tinh tế và khéo léo của mình, những nghệ nhân thêu tay ở Huế đã tạo nên những tác phẩm thật tinh tế và giàu ý nghĩa. Một trong số đó là nghệ nhân Lê Văn Kinh - tác giả của bức tranh thơ thêu bằng 14 thứ tiếng.

Với mong muốn đem những cảnh đẹp của quê hương mình đến với mọi người, hàng chục năm qua, ông đã không ngừng làm giàu cho gia tài của mình bằng hàng ngàn bức tranh thêu về Huế như cảnh Sông Hương, núi ngự, chùa Thiên Mụ... hay hình ảnh con đò, bến nước, sân đình. Nổi bật nhất trong những tác phẩm của ông là 14 bức tranh thơ với 14 thứ tiếng khác nhau và cơ duyên đưa ông đến với tác phẩm này cũng thật tình cờ.

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh chia sẻ: “Trước đây, có một vị khách người Đức đến tiệm tranh của tôi và yêu cầu một bức tranh thơ được thêu bằng tiếng Đức. Sau đó ông về nước, thuê người dịch và chuyển sang Việt Nam để tôi thêu. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng thêu bài thơ đó bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và đến nay đã được 14 thứ tiếng”.

Trên nền chất liệu tơ tằm, bài thơ Cáo Tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư đã được thêu với 14 thứ tiếng như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Ý, Đan Mạch... và nhiều quốc gia Phật giáo khác. Mỗi bức tranh là một đứa con tinh thần của ông bởi để có thể hoàn thành một bức tranh thêu như vậy cũng lắm công đoạn từ việc dịch cho sát nghĩa, thể hiện hết ý tứ của bài thơ đến việc phác thảo chữ viết lên lụa và chọn màu cho chỉ thêu. Điểm nổi bật của tác phẩm là mỗi thứ tiếng được nghệ nhân Lê Văn Kinh sử dụng một màu chỉ khác nhau. Hơn 2 năm miệt mài sáng tạo, bài thơ thêu bằng 14 thứ tiếng đã được hoàn thành.

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh chia sẻ: “Mỗi thứ tiếng tôi chọn một màu chỉ khác nhau để thêu, nhằm tránh đi sự nhàm chán cho người xem. Tuy là một màu chỉ nhưng được thêu theo màu sắc đậm nhạt của nét chữ nên nhìn rất hài hòa. Đặc biệt, bức thêu chữ của nước Ý, tôi đã chọn màu cờ của nước này để thể hiện lên bức tranh của mình”.

Với những đóng góp của mình, năm 2003, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã được phong danh hiệu cao quý “ Nghệ nhân dân gian” do hội Văn nghệ dân gian trao tặng. Tâm nguyện cuối cùng của ông sẽ giữ gìn và phát huy được nghề thêu truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước