Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California và Đại học Arizona đã phát hiện ra rằng những người ngồi trên 10 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn người bình thường. Nghiên cứu này gây bất ngờ khi việc ngồi quá nhiều không chỉ ảnh hưởng tới xương khớp mà còn có ảnh hưởng tới trí nhớ và dẫn tới bệnh sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu đã theo dõi 49.841 người trưởng thành trên 60 tuổi tại Anh, Scotland và xứ Wales và chưa được chẩn đoán chứng mất trí nhớ. Sau 6 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 414 trường hợp bị sa sút trí tuệ.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ bắt đầu tăng nhanh sau 10 tiếng ít vận động mỗi ngày, bất kể thời gian ít vận động được tích lũy như thế nào", tác giả của nghiên cứu Gene Alexander cho biết.
Theo nghiên cứu, nếu mức độ ít vận động thấp hơn 10 tiếng mỗi ngày, nguy cơ sa sút trí tuệ không bị gia tăng. Như vậy, những người làm công việc văn phòng và những công việc đòi hỏi ngồi kéo dài nên hạn chế tổng thời gian ít vận động trong ngày. Đây là cách để làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ khi về già.
Một lời khuyên quen thuộc mà các chuyên gia thường xuyên khuyên chính là nên nghỉ giải lao bằng cách đứng dậy và đi lại sau mỗi 30-60 phút ngồi làm việc. Ngoài ra, bạn nên duy trì tư thế ngồi tốt, sử dụng ghế làm việc chuyên dụng để giảm thiểu tác hại cho sức khỏe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!