Người bảo tồn Batik truyền thống của Indonesia

Hữu Hưng - Mạnh Hà (PV Đài THVN Thường trú tại ASEAN)-Thứ hai, ngày 26/02/2018 19:25 GMT+7

VTV.vn - Tại Indonesia, có một nghệ nhân từ nhiều năm qua đã âm thầm nghiên cứu và tìm lại cách thức nhuộm màu tự nhiên của Batik truyền thống.

Nhờ công nghệ in và nhuộm màu hiện đại, các sản phẩm Batik của Indonesia hiện đã phổ biến các nước ASEAN khác. Cách làm công nghiệp này tuy mang lại lợi ích kinh tế nhưng lại khiến nhiều người dần lãng quên Batik truyền thống, đặc biệt với công đoạn nhuộm màu hoàn toàn tự nhiên. Ý thức được vấn đề này, có một nghệ nhân từ nhiều năm qua đã âm thầm nghiên cứu và tìm lại cách thức nhuộm màu tự nhiên của Batik truyền thống đó là Giáo sư Zahir Widadi đến từ Trường Đại học Tổng hợp thành phố Pekalongan - nơi được coi thủ phủ của Batik Indonesia.

Người bảo tồn Batik truyền thống của Indonesia - Ảnh 1.

Giáo sư Zahir Widadi - nghệ nhân Batik.

Sau gần 10 năm tìm tòi, nghiên cứu với không ít thất bại, Giáo sư Zahir Widadi đã tìm lại được cách thức nhuộm màu tự nhiên vải Batik truyền thống đã có từ cách đây gần 500 năm.

Giáo sư Zahir Widadi hiện là Trưởng khoa Batik, Đại học Tổng hợp Pekalongan và cũng chính là người đã tham gia chuẩn bị hồ sơ đệ trình lên UNESCO để nghệ thuật làm Batik của Indonesia được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2009.

Giáo sư Zahir Widadi - nghệ nhân Batik nói: "Khi còn làm Giám đốc Bảo tàng Batik, tôi đã có dịp tiếp cận với các vải Batik hoàng gia có từ cách đây hàng trăm năm và điều ngạc nhiên là màu vải nhuộm vẫn còn rất tốt. Điều tôi muốn làm rõ là Batik đích thực là phải sử dụng màu nhuộm tự nhiên".

Người bảo tồn Batik truyền thống của Indonesia - Ảnh 2.

Các họa tiết trên vải Batik truyền thống của Indonesia.

Theo Giáo sư Zahir Widadi, Batik truyền thống Indonesia chỉ có hai màu cơ bản là màu chàm và màu vàng nâu, tất cả được chiết xuất từ màu tự nhiên của cây và gỗ. Giáo sư Zahir Widadi đã tập trung nghiên cứu màu chàm bởi loại cây này có nhiều và dễ tìm.

"Tôi cho dung dịch cây chàm vào thùng nhựa, sau đó chuyển sang thùng xi măng, gốm sứ, rồi đặt vào hố sâu 2 - 3m dưới lòng đất và cứ thay đổi liên tục như vậy để có thể tìm ra màu sắc đã có từ 500 năm trước. Nói về kinh tế thì không ai nhuộm màu tự nhiên bởi nhuộm tự nhiên phải mất nhiều lần mới được một tấm vải, trong khi nhuộm tổng hợp chỉ một lần là xong"- Giáo sư Zahir Widadi - chia sẻ.

Tiếp theo thành công với cách thức nhuộm truyền thống, Giáo sư Zahir Widadi đi vào nghiên cứu các họa tiết, hoa văn Batik cổ để có thể tạo ra các mẫu Batik mới với chất liệu truyền thống. Ông cũng thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm Batik truyền thống với những ai quan tâm bởi theo ông, chia sẻ chính là cách bảo tồn di sản này của nhân loại.

Giáo sư Zahir Widadi – cho biết: "Tôi hy vọng và muốn mời mọi người cùng đến nghiên cứu nhuộm màu Batik. Đây không phải là chuyện bí quyết mà là tri thức, là làm thế nào chúng ta bảo tồn di sản văn hóa này".

Với tâm huyết, niềm đam mê tìm tòi sáng tạo của mình, Giáo sư Zahir Widadi là một trong những hạt giống quý của Indonesia trong việc bảo tồn những giá trị tinh túy của cách làm Batik truyền thống và với mong muốn được chia sẻ cách làm cổ truyền này tới bạn bè thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước