Gần 200 mã số vùng trồng dừa xuất khẩu sang Trung Quốc
Hiện nước ta có khoảng 200.000 ha dừa. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 80% diện tích. Khi trái dừa tươi Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người trồng dừa miền Tây được hưởng lợi lớn nhất.
Tính đến thời điểm này Đồng bằng sông Cửu Long có 182 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói được cấp phép xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Kể từ giữa tháng 10, hàng trăm ngàn tấn dừa tươi đã được xuất khẩu, với nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển từ vài chục đến 1.500 container.
Dự kiến, xuất khẩu dừa tươi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nhờ vào sự hoàn thiện của dây chuyền sản xuất tại các cơ sở đóng gói.
Liên kết tạo đầu ra ổn định cho trái dừa
Tính đến thời điểm này ĐBSCL có 182 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói được cấp phép xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Cơ hội cho ngành dừa Việt Nam đang rộng mở khi trái dừa tươi chính thức có mặt ở thị trường Trung Quốc. Để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp, nhà vườn đang nỗ lực xây dựng quy trình sản xuất, liên kết chặt chẽ đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Hợp tác xã dừa Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có 10 mã số vùng trồng và 9 cơ sở đóng góp được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tất cả vùng nguyên liệu hơn 2.200 ha đều được liên kết với nhà vườn. Hơn 3.000 xã viên được tập huấn kỹ thuật canh tác, các quy định về tiêu chuẩn trái dừa xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.
Đồng bằng sông Cửu Long có 182 mã vùng trồng với hàng chục ngàn ha dừa được cấp phép xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. Tất cả diện tích này đều được doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với người trồng dừa. Quy trình sản xuất, chất lượng đầu ra được giám sát chặt chẽ. Quan trọng hơn đảm bảo sản lượng ổn định để phục vụ thị trường xuất khẩu.
Năm 2023 dừa tươi Việt Nam xuất đi 15 quốc gia trên thế giới với sản lượng khoảng 30.000 tấn. Hết quý 3 năm nay mặt hàng này đã mang về khoảng 120 triệu USD. Theo cac chuyên gia, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi các doanh nghiệp liên tục ký được các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để trái dừa tươi Việt Nam trụ vững trên thị trường
Trung Quốc là thị trường rất giàu tiềm năng, mỗi năm quốc gia này tiêu thụ đến khoảng 4 tỷ trái dừa tươi, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng 10%. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ đất nước tỷ dân, đòi hỏi bà con nông dân và doanh nghiệp phải duy trì và nâng cao hơn chất lượng trái dừa tươi xuất khẩu.
Từ khi nhận được thông tin trái dừa tươi Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Tân (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cùng hàng trăm thành viên Hợp tác xã được tập huấn, phổ biến đầy đủ thông tin về tiêu chuẩn trái dừa xuất khẩu.
Khi trái dừa tươi Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người trồng dừa miền Tây được hưởng lợi lớn nhất. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 80% diện tích trồng dừa cả nước với khoảng 171.000 ha. Hiện tại chưa đến 200 mã vùng trồng được cấp mã xuất khẩu sang Trung Quốc là còn khá hạn chế. Các địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng để mở rộng diện tích dừa được cấp phép xuất khẩu. Tuy nhiên, việc làm này cũng đang được thực hiện một cách thận trọng, hướng đến sự phát triển bền vững.
Những bước đi thận trọng sẽ giúp trái dừa tươi Việt Nam duy trì được sự ổn định tại thị trường Trung Quốc cũng như các quốc gia giàu tiềm năng khác trên thế giới. Thương hiệu được khẳng định, giá trị dừa tươi xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng vọt, góp phần mang về kim ngạch tỷ đô cho ngành hàng dừa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!