Nhiều di sản hàng nghìn năm tuổi có thể bị "xóa sổ hoàn toàn" do nước biển dâng cao

Mai Linh (theo CNN)-Chủ nhật, ngày 27/02/2022 12:15 GMT+7

VTV.vn - Nhiều di sản hàng nghìn năm tuổi tại Châu Phi đang hứng chịu sự tàn phá nặng nề và đối mặt nguy cơ biến mất hoàn toàn bởi nước biển dâng cao.


Nhiều di sản hàng nghìn năm tuổi có thể bị xóa sổ hoàn toàn do nước biển dâng cao - Ảnh 1.

(Ảnh: Adobe Stock)

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate cho rằng nhiều công trình lịch sử quan trọng của Châu Phi như các cột Carthage, nhà hát La Mã Sabratha...cùng hơn 190 di tích khác nằm dọc theo các bờ biển sẽ đối mặt nguy cơ bị lũ lụt và xói mòn nghiêm trọng trong 30 năm tới.

Nghiên cứu cho biết mực nước biển đang trên đà tăng với tốc độ đáng cảnh giác trong 3 thập kỷ vừa qua, kéo theo đó là các hiện tượng lũ lụt, cháy rừng và sóng nhiệt cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, có tổng cộng 56 địa điểm đang nằm trong vòng nguy hiểm nếu một trận lũ lớn xảy ra vào năm 2050. Nếu lượng khí thải nhà kính còn giữ tốc độ tăng như hiện tại, con số này có thể gấp tới 3 lần lên 198 địa điểm.

Nicholas Simpson – tác giả của nghiên cứu cho biết: “Các di sản này mang trong mình giá trị địa phương, giá trị kinh tế, giá trị quốc tế… Có nhiều di tích và địa điểm mà chúng tôi không muốn thế hệ sau mất đi”. Simpson tin rằng những phát hiện này đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh quan trọng để tăng cường các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trên khắp lục địa. Điều này càng quan trọng hơn khi ở Châu Phi, sự đe dọa tới từ biến đổi khí hậu đến các di sản gần như bị phớt lờ.

Nhiều di sản hàng nghìn năm tuổi có thể bị xóa sổ hoàn toàn do nước biển dâng cao - Ảnh 2.

(Ảnh: Adobe Stock)

Trong nghiên cứu mới nhất này, Simpson và các đồng nghiệp của ông đã vạch ra tổng số 284 di sản được Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO và Công ước Ramsar công nhận tại 39 quốc gia. Họ sử dụng một mô hình phức tạp dự báo mực nước biển dâng và độ nóng lên toàn cầu, kiểm tra cả 2 kịch bản là độ phát thải vừa và độ phát thải cao trong tương lai.

Theo nghiên cứu, Bắc Phi có số lượng địa điểm bị đe dọa lớn nhất. Simpson cho rằng điều này đáng lo ngại vì Bắc Phi có số lượng lớn di sản được công nhận trên toàn cầu. Ông hy vọng rằng việc xác định những địa điểm nổi tiếng này có thể “gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ khí hậu đối với các di sản ở Châu Phi”.

Nhiều di sản hàng nghìn năm tuổi có thể bị xóa sổ hoàn toàn do nước biển dâng cao - Ảnh 3.

(Ảnh: Adobe Stock)

Một trong những phương pháp bảo tồn được nghiên cứu gợi ý là dựng tường chắn biển, đê chắn sóng. Tuy nhiên, Simpson cũng cảnh báo rằng biện pháp này cực kỳ tốn kém và không chắc rằng chúng có thể chịu được mực nước biển trong tương lai. Giải pháp tốt hơn nhiều là khôi phục, trồng và quản lý hệ sinh thái, chẳng hạn như đầm lầy muối, đồng cỏ biển và rừng ngập mặn. Simpson nói: “Nâng cao nhận thức về tác hại của biến đổi khí hậu đối với di sản đã phản ánh tính cấp bách của việc ngăn chặn và giải quyết hậu quả của nó với xã hội”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước