Trong cuộc sống hiện đại, áp lực về học tập, thi cử, cơm áo gạo tiền khiến nhiều bạn trẻ mắc kẹt trong vòng xoáy của những suy nghĩ. Điều này có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và hành vi của người trẻ.
Luôn nghĩ mình phải đạt được mục tiêu đã đặt ra, Nguyễn Thùy Dung (TP. Hà Nội) luôn trong trạng thái hồi hộp, lo lắng vì cho rằng mình phải cố gắng hơn nữa. Trong mọi cuộc vui với gia đình, bạn bè, thay vì tham gia thì Dung một mình gặm nhấm công việc tại phòng trọ.
Thùy Dung chia sẻ: "Mình bị suy nghĩ quá nhiều vì cảm thấy mình không làm được cái gì cả. Có những buổi chiều mình hoàn toàn vô định, không biết làm gì cả mặc dù có nhiều việc phải làm. Không có động lực để làm và hoài nghi về năng lực của bản thân. Cuối cùng mình dành cả buổi chiều hôm đó chỉ để nghĩ".
Dành quá nhiều thời gian chỉ để nghĩ, đó cũng là hình ảnh của bạn Nguyễn Hoàng Hiệp (Thái Nguyên) khi bị trượt môn học đầu tiên thời sinh viên. Chỉ trong 10 tháng gần đây, bạn phải trải qua 2 lần tái phát hội chứng nghĩ quá nhiều và kéo dài cho đến nay.
Hoàng Hiệp chia sẻ: "Mình đã suy nghĩ rất nhiều, tại sao đã cố gắng rất nhiều mà không thể vượt qua môn đấy. Chứng overthinking đã khiến cuộc sống của mình đảo lộn 180 độ. Mình không thể ăn đúng bữa, ngủ không sâu giấc, nó làm mình suy nghĩ rất nhiều và tiêu cực".
Câu chuyện của Dung và Hiệp không phải hiếm gặp. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Michigan của Mỹ cho thấy 73% người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 - 35 suy nghĩ quá nhiều. Đáng ngạc nhiên, con số này ở mức thấp hơn, 52% đối với những người trong độ tuổi từ 45-55. Điều đó cho thấy, nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với người già.
Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ: "Chủ yếu overthinking là do các bạn quá cầu toàn, quá kỳ vọng vào bản thân của mình. Áp lực cho giới trẻ hiện nay là bạn phải đạt được cái này, đạt được cái kia. Khi mà bạn tập trung nghiền ngẫm về quá khứ thì bạn ảnh hưởng đến tâm lý, không thoát được ra dẫn đến trầm cảm. Khi lo lắng thái quá về tương lai thì có thể mắc chứng rối loạn lo âu".
Thay vì tìm kiếm hạnh phúc ở quá khứ hoặc tương lai, mỗi người hãy trân trọng những giây phút ở hiện tại, khi chúng ta đang thực sự sống. Sự lạc quan và suy nghĩ tích cực sẽ là gia vị giúp cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!