Nhiều triệu chứng mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người dưới 50 tuổi

Mai Linh (theo CNN)-Thứ hai, ngày 26/06/2023 06:03 GMT+7

Ảnh: sleepeducation

VTV.vn - Một nghiên cứu cho thấy việc khó ngủ, ngủ không sâu giấc và các vấn đề giấc ngủ khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nghiên cứu đã theo dõi 31.000 người không có tiền sử đột quỵ trong 9 năm. Kết quả cho thấy, người càng có nhiều triệu chứng mất ngủ thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt ở những người dưới 50 tuổi. Sau khi kiểm soát các yếu tố khác góp phần vào việc làm tăng nguy cơ đột quỵ, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có từ 5 đến 8 triệu chứng mất ngủ có nguy cơ đột quỵ tăng 51% so với những người bình thường. Còn những người có từ 1 đến 4 triệu chứng có nguy cơ đột quỵ cao hơn 16%.

Các triệu chứng mất ngủ có thể bao gồm khó ngủ, thức dậy trong đêm, thức dậy quá sớm vào buổi sáng, cảm thấy mệt mỏi, ngủ ngày, lo lắng, cáu kỉnh, khó tập trung, ghi nhớ và mất tập trung. “Có nhiều liệu pháp có thể giúp mọi người cải thiện chất lượng giấc ngủ, vì vậy việc xác định vấn đề giấc ngủ nào làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể giúp ích cho việc điều trị, làm giảm nguy cơ đột quỵ sau này trong cuộc sống”, tác giả chính của nghiên cứu và nhà dịch tễ học Wendemi Sawadogo cho biết trong một tuyên bố.

Một nghiên cứu tương tự khác được công bố vào tháng tư cũng đã phân tích dữ liệu của 4.500 người. Kết quả cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 7 tiếng. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng có vấn đề. Ngủ trung bình hơn 9 tiếng một đêm có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ cao gấp hai lần. Các kết quả vẫn đúng ngay cả khi loại bỏ đi những yếu tố dẫn đến đột quỵ khác như trầm cảm, rượu, thuốc lá và thiếu tập thể dục.

Ngủ trưa cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người ngủ trưa trung bình hơn một giờ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ. Ngủ trưa theo kế hoạch dưới một giờ đồng hồ sẽ không ảnh hưởng gì.

Tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc Trung tâm Y học Sinh học và Giấc ngủ tại Trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern ở Chicago, đã chia sẻ về nguyên nhân các vấn đề giấc ngủ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ: “Ngủ ngắn, gián đoạn và chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, làm giảm huyết áp tự nhiên xảy ra trong giấc ngủ ban đêm và góp phần làm tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ và bệnh tim mạch”.

Tiến sĩ Andrew Freeman, giám đốc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại National Jewish Health cho biết, một lịch ngủ khoa học, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là những yếu tố chính để làm giảm tác động tiêu cực của chứng rối loạn giấc ngủ tới tim mạch và bệnh đột quỵ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước