Một nghiên cứu mới về tác động của nhịn ăn gián đoạn lên những người mắc bệnh tiểu đường và béo phì đã được công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết tại Chicago (Mỹ). Trong đó, các nhà nghiên cứu tin rằng phương pháp nhịn ăn này có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giúp những người mắc bệnh tiểu đường giảm nguy cơ tăng lên loại 2.
Cụ thể, nghiên cứu này xuất phát từ các nghiên cứu trước đây cho thấy hình thức nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiiện sức khỏe chuyển hóa tim mạch và lượng đường trong máu. Đây là kiểu nhịn ăn mà những người tham gia sẽ chỉ ăn trong 6-8 tiếng đầu tiên trong ngày và sau đó nhịn hoàn toàn trong thời gian còn lại.
Một nửa số người bệnh được áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn và tiêu thụ 80% lượng calo trước 1 giờ chiều, trong khi những người còn lại ăn 50% lượng calo sau 4 giờ chiều như cách truyền thống. Kết quả là chỉ trong một tuần đầu tiên, những người sử dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã có lượng đường trong máu giảm, thời gian lượng đường ở trong máu cũng giảm và điều này không phụ thuộc vào cân nặng của mỗi người.
Tiến sĩ Joanne Bruno, người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố rằng nhìn ăn gián đoạn có thể là một chiến lược hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hoặc béo phì để giúp lượng đường trong máu ở mức bình thường, ngăn việc phát triển trở thành tiểu đường loại 2.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc nhịn ăn gián đoạn không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những người dưới 18 tuổi, đang mang thai, đang cho con bú hoặc từng vật lộn với các chứng rối loạn ăn uống. Bất kì ai muốn thử phương pháp này đều nên cân nhắc kĩ càng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!