Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Hàn Thực, không khí thị trường đồ lễ để sử dụng trong dịp này đang dần sôi động. Ngay tại các khu chợ dân sinh, nhiều tiểu thương đã bắt đầu nặn bánh hoặc bán các loại nguyên liệu làm bánh. Trên các diễn đàn online cũng có nhiều người bán bánh handmade với đủ set bánh nhiều giá tiền khác nhau.
Những năm gần đây, bánh trôi bánh chay ngũ sắc đang rất được ưa chuộng để dâng mâm cúng tổ tiên. Điểm đáng chú ý là phẩm màu được dùng đều là màu tự nhiên từ các loại cây củ. Ví dụ như màu vàng làm từ bột dành dành, màu hồng làm từ bột củ dền, màu cam làm từ bột gấc... Giá bán của những phẩm màu này khá rẻ, dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/lạng.
Bột bánh trôi được lên màu nhờ các loại phẩm màu tự nhiên làm từ rau củ
Chị Hà Phương - một chủ bếp đồ ăn handmade chia sẻ, phẩm màu là phụ gia thường phải dùng khi chế biến các loại bánh, thế nên chị thường mày mò tìm cách làm các loại phẩm màu an toàn từ rau củ để dùng. Mặt hàng này cũng được bán rất chạy vào dịp Tết Hàn thực, khi nhu cầu làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc tăng cao.
Chị Phương bật mí: "Mình tự làm ra 6 màu bột để lên màu cho vỏ bánh trôi bánh chay. Những loại bột này không có nhiều hương vị, khả năng lên màu tốt nên sẽ khiến vỏ bánh đẹp mắt hơn mà không ảnh hưởng đến vị của bánh. Mình làm màu vàng từ củ dành dành, màu hồng từ củ dền, màu cam từ bột gấc, màu xanh lá dứa, màu tím sẫm của lá cẩm và màu xanh biếc của hoa đậu biếc".
Những đĩa bánh trôi nhiều màu sắc rất được yêu thích
Có thể nói, vỏ bánh truyền thống làm từ bột nếp dẻo, trắng tinh, thơm lừng nắng mới luôn khiến người ăn cảm thấy sự thanh khiết của chiếc bánh. Còn những chiếc bánh được nhuộm màu lên sẽ tạo sự vui mắt, mang thêm ý nghĩa ngũ hành, cầu bình an, thịnh vượng cho gia đình khi đặt lên mâm cúng gia tiên.
Bên cạnh việc biến tấu vỏ bánh, nhiều người còn thay đổi nhân bánh để mang đến hương vị mới lạ cho món bánh. Chị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hàng năm chị vẫn thường bán bánh trôi ở chợ vào dịp lễ Hàn thực. Để làm mới mặt hàng, chị đã nghĩ ra các loại nhân khác nhau.
"Bánh trôi, bánh chay truyền thống vẫn thường là vỏ bột nếp nhân đường phèn, đậu ngọt. Bánh này ăn mãi cũng dễ chán, trong khi có nhiều gia đình có thói quen mua về ăn trước 2 - 3 hôm. Thế nên mình chế biến nhân khác biệt một chút, thay vì chỉ có đậu xanh, mình thêm ít cùi dừa, làm nhân mè đen, nhân lạc mật... Nước dùng cho bánh chay mình có thể làm từ nước đường nấu gừng, ăn vừa ấm vừa ngọt. Hầu như khách hàng của mình ai cũng thích lấy thêm nước bánh chay về ăn cùng" - chị Hà chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!