Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, với tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng cùng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Công tác chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô đã được lên kế hoạch sẵn sàng từ trước. 214 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Bình Ca đã vào tiếp quản 35 trọng điểm tại Hà Nội trước ngày 10/10/1954.
Sáng ngày 9/10/1954, quân ta tiếp quản các khu vực Ga Hà Nội, Bắc Bộ Phủ (hay còn gọi là Phủ Toàn quyền). Đây là những cơ sở đầu tiên được lực lượng ta tiếp quản từ thực dân Pháp.
Ga Hà Nội - một trong những công trình được thực dân Pháp xây dựng.
Bắc Bộ Phủ (Phủ Toàn quyền) là nơi đã chứng kiến rất nhiều mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc như Cách mạng tháng Tám 1945, Giải phóng Thủ đô 1954.
16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Cầu Long Biên đã trở thành “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Check in Hanoi)
8 giờ sáng ngày 10/10/1954, Uỷ ban Quân chính thành phố cùng các đơn vị bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng từ các cửa ô đã tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong một rừng cờ hoa rực rỡ. Hơn 20 vạn người dân Thủ đô hân hoan đổ ra khắp các ngả đường với băng-rôn, khẩu hiệu để đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Quân ta chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Phía Tây, Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, từ khu vực Quần Ngựa tiến vào đóng quân ở Thành cổ Hà Nội theo hướng Cửa Đông.
Di tích Cửa Bắc - Thành cổ Hà Nội - nơi hội quân của 3 cánh quân Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong) ngày 10/10/1954.
Cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay là Đại học Bách khoa) hành binh lên phố Huế, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, vào đóng quân ở các khu vực Đồn Thủy (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị).
Phía Đông Nam, xe ô tô của Ủy ban Quân chính thành phố dẫn đầu đoàn pháo binh, bộ binh từ sân bay Bạch Mai qua Phố Huế, Bờ Hồ, qua khu vực phố cổ tiến vào Thành cổ Hà Nội theo hướng Cửa Bắc.
Hồ Hoàn Kiếm, nơi các cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đi qua để tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ngày nay, Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội.
Chiều ngày 10/10/1954, Nhà hát Lớn đã nổi hồi còi báo hiệu cho lễ thượng cờ lịch sử sau giải phóng.
15 giờ ngày 10/10/1954, lễ thượng cờ đầu tiên tại Cột cờ Hà Nội đã long trọng được tổ chức dưới sự tham dự của hàng vạn đồng bào Thủ đô và các đơn vị bộ đội tiếp quản thành phố. Sau 9 năm, lá cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Cũng trong buổi lễ chào cờ thiêng liêng này, Uỷ ban Quân chính đã đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
70 năm sau, lá cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay tại nơi đây.
Sân Cột cờ Hà Nội (nay nằm trong khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long) là nơi diễn ra lễ chào cờ đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô
70 năm đã trôi qua, ngày nay, những di tích này vẫn sừng sững giữa đất trời Thủ đô, là “nhân chứng” cho biết bao mốc son không chỉ của Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!