Mùa hè đến, nhiều gia đình đã sẵn sàng lên kế hoạch cho những chuyến du lịch biển. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các cha mẹ để trẻ thỏa sức bơi lội dẫn tới tình trạng bị đuối nước. Do đó, các phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
1. Đừng để trẻ bơi quá xa bờ
Khi đứng trước biển cả mênh mông, nhiều bé cảm thấy vô cùng thích thú và thường chạy thật nhanh ra biển. Nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước do không biết bơi hoặc bơi tại những khu vực nguy hiểm, xa bờ, không có sự kiểm soát của người lớn. Do đó, khi cho con đi du lịch biển, cha mẹ cần luôn để mắt đến con, để con chơi gần bờ và nên giữ phao.
2. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh
Một lưu ý quan trọng dành cho các bậc phụ huynh là không nên để trẻ tắm biển quá 2 tiếng liên tiếp bởi gió ở biển rất to, có thể khiến trẻ bị cảm lạnh. Với trẻ nhỏ, khi đi chơi biển, cha mẹ cần mặc đồ bơi kín đáo cho con. Sau khi bé tắm xong, để tránh bị ốm, cha mẹ nên lau khô người và thay quần áo ngay cho bé.
3. Không để trẻ bị say nắng
Không chỉ có nguy cơ nhiễm lạnh, nhiều trẻ còn có thể bị say nắng khi đi biển. Vì vậy, trước khi đi biển, hãy cho bé uống vitamin A và vitamin E theo đúng chỉ định của bác sĩ, giúp trẻ tránh bị say nắng và dị ứng khi đi biển. Bên cạnh đó, cha mẹ cần mang theo mũ và mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, tuyệt đối không để trẻ tắm biển hay chơi đùa trên cát vào thời điểm nắng nóng trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 3 giờ chiều. Đặc biệt, khi người lớn và trẻ nhỏ cần phải được cung cấp đủ nước cho cơ thể. Hãy cho trẻ uống nước liên tục ngay cả khi chúng không cảm thấy khát.
4. Sơ cứu cho trẻ khi gặp tai nạn
Cha mẹ nên tìm hiểu kiến thức sơ cứu về tai nạn đuối nước để đề phòng những trường hợp không may xảy ra. Khi phát hiện trẻ ngã xuống nước, cha mẹ cần bình tĩnh, nhanh chóng kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ cứu trẻ. Sau khi trẻ được đưa lên bờ, cha mẹ cần kiểm tra đường thở của trẻ. Nếu trong miệng hay mũi của trẻ có dị vật, cần móc ra ngay lập tức sau đó đặt trẻ nằm nghiêng người sang một bên để nước có thể thoát ra khỏi đường thở.
Nếu thấy trẻ ngừng thở, ngay lập tức để trẻ nằm ngửa sau đó lấy tay bịt mũi, hít thật sâu và ngậm kín miệng trẻ, thổi hơi dài, làm lại liên tiếp 2 lần. Tiếp tục ép tim lồng ngực bằng cách dùng hai tay đan nhau, đặt lên 1/3 xương ức về phía ngực trái của trẻ và ép liên tục cho đến khi có nhân viên y tế tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!