Một làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm nay ở miền Tây, nơi sản xuất một vật dụng đặc biệt, không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong hầu hết các gia đình Việt. Đó chính là tủ thờ.
Đi dọc theo Quốc lộ 50, tới địa phận thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán tủ thờ vì nơi đây có làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công. Hầu như nhà nào cũng cha truyền con nối mấy đời.
Nhìn bề ngoài, tủ thờ Gò Công đã rất đẹp nhưng bên trong còn có những bí quyết nữa. Thường khi quan sát tủ thờ, nhiều người sẽ chú ý đến những chi tiết chạm khắc trên cánh tủ và nghĩ rằng đó là công đoạn khó nhất, nhưng thực tế, chân quỳ là bộ phận quan trọng và đòi hỏi nhiều bí quyết riêng của người thợ.
Gỗ được phơi trong khoảng 1 tháng để cứng lại, lúc đóng, tủ không bị co giãn. Sau đó, gỗ được phân cho các thợ về tự làm, còn xưởng chính chỉ làm những công đoạn quan trọng nhất như đóng chân quỳ.
Để tủ thờ Gò Công có thêm cái hồn, được đẹp nữa, cần thêm một công đoạn nữa là cẩn ốc lên tủ. Nghe đơn giản nhưng chắc chắn công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao. Đây là một trong những công đoạn được cho là khó nhất.
Để theo nghề của cha ông không chỉ cần sự tỉ mỉ, khéo léo với trí sáng tạo, mà còn cần cả sự khổ cực nữa. Một điểm đáng quý là tất cả những người từ thợ chạm, thợ đóng đều là những người còn rất trẻ, vừa chứng tỏ sự yêu nghề, vừa cho thấy sức sống của làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!