Tôi đã từng đi qua cầu Long Biên vào một tối muộn, nhìn xuống khu chợ tấp nập ở phía xa. Dòng người vội vàng, hối hả giữa những chiếc xe tải, xe máy cái vào, cái ra, trong ánh điện lập lòe chỗ trắng, chỗ vàng khiến tôi hoa cả mắt. Là chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, chợ Long Biên “quy tụ” của nhiều thương lái đến từ các tỉnh lân cận và thường đông đúc trong khoảng giữa đêm.
Trong suy nghĩ của tôi, chợ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, hay nói kỹ hơn thì đó là nơi mưu sinh của tiểu thương. Nhưng đến chợ Long Biên tôi mới biết: chợ còn là nơi mưu sinh của cửu vạn - những người bốc, vác, gánh, kéo hàng thuê.
“Nữ nhi cửu vạn đêm dài
Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người.”
Chúng tôi đến chợ Long Biên vào một đêm mà cơn mưa mùa hạ lúc rơi, lúc tạnh. Tôi đã từng đi chợ làng, chợ quê và chợ nổi, nhưng không có nơi nào giống ở đây cả. Không khí ở chợ Long Biên không phải là cái vui vẻ, rộn ràng trong tấp nập mà nó mang nét nhọc nhằn, vất vả trong sự ồn ào.
Bước vào cổng chợ, tôi nhìn thấy một khung cảnh mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ ví nó với hình ảnh của tiểu đội xe không kính đang leo lên con đường Trường Sơn khúc khuỷu trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Dốc ở chợ Long Biên thì không dài, đứng hay khó đi, nhưng nó luôn là một thử thách đối với những người kéo hàng. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhìn thấy người ta vượt qua một con dốc thoải bằng những bước chân nặng nề, lao đao và xe hàng đằng sau thì liêu xiêu như sắp đổ.
Những chiếc xe lao đao khi lên dốc ở cổng chợ Long Biên
Những người kéo hàng ở chợ hầu như là phụ nữ, mà già nửa là ngót 60 mùa xuân, thậm chí còn nhiều hơn thế. Nhưng họ lại đang lao động ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ hưu, trong cái lúc đáng ra phải được ngủ và nghỉ ngơi. Họ đến từ khắp các tỉnh ở miền Bắc như: Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định,... với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.
Chợ Long Biên sau trận mưa bốc lên hơi nóng hầm hập, đường đi đầy túi bóng nát, thùng xốp vỡ vụn, những quả cam rơi bị đè vào, những nắm rơm vãi bị ướt, rồi đất dính, bùn lầy và những vũng nước đen ngòm. Những người phụ nữ với chiếc xe kéo hàng nối đuôi nhau từ trong chợ lên dốc. Mỗi lần lên có người đẩy phía sau, hô to: “Mạnh lên nào”. Ở đó có những người phụ nữ đau chân, một chân bước, một chân nhích; có những người đi giật cục đằng trước vì hàng nặng; có những người đi một đoạn đường mà cứ xiên vẹo, méo mó; có những người lao xuống dốc vừa thở, vừa nghe điện thoại từ chủ buôn. Phải đến chợ Long Biên, nhìn khung cảnh ấy mới có thể hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người bán sức lao động về đêm.
Ngồi nghỉ trên chiếc xe chở hàng, bà Hồng (60 tuổi, quê Hưng Yên) lau những giọt mồ hôi trên trán và tâm sự với chúng tôi: “Không có chữ nên tôi chỉ làm được nghề này thôi, vất vả cũng phải làm. Làm thì mới có cái ăn. Mỗi chuyến xe lên dốc tôi được trả 10.000, còn bốc vác ra tận ngoài đường thì được 30.000. Có ngày tôi kiếm được cả mấy trăm, thích lắm, nhưng cũng có những ngày mang xe ra rồi lại mang xe về vì chẳng ai mướn.” Bà Hồng nói với một nụ cười hiền nhưng đôi mắt sâu thẳm, nhiều âu lo. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một người phụ nữ gầy gò, thấp bé, tay chai sạn, đầu gối sưng, da nhăn nheo mà mỗi ngày vẫn kéo 6 - 7 tấn hàng.
Ở chợ Long Biên, người ta kéo xe chở hàng bằng đôi tay gân guốc và những bước chân nặng nề của người phụ nữ.
Cửu vạn thật sự là một nghề lấy đi sức khỏe của những người phụ nữ. Họ bắt đầu công việc lúc 22 giờ đêm và kết thúc lúc 8 giờ sáng. Có người sau đó được nghỉ, nhưng cũng có những người đi làm thêm việc khác như: nhặt rác, bán hàng thuê trong chợ. Họ đau chân, đau tay, đau lưng và đau cả đầu nữa. “Ngày nào cũng mấy chục nghìn tiền thuốc, giờ động đến chỗ nào cũng thấy đau” - bà Hồng rưng rưng kể với tôi.
Bà Hồng nhìn theo những người phụ nữ gánh hàng và kể về nghề cửu vạn
Chúng tôi đi quanh chợ, nhìn ai cũng thấy mệt. Đi theo bóng đèn đổ xuống đường, chúng tôi đến khu hàng mã. Đó là một đoạn đường có ánh sáng kém hơn, ít người qua lại và tẻ nhạt, tĩnh mịch lắm. Chúng tôi gặp bà Nụ ngồi ở một góc với chiếc bàn cũ đóng bằng tôn, bên trên bày ít kẹo lạc, lương khô, ba chai nước lọc và hai hộp sữa. Thỉnh thoảng có mấy ông hàng cau mua nước, bà lại mang ra tận nơi. Lưng bà còng, dáng bà lom khom trong đoạn đường ít ánh sáng trông thương biết nhường nào. Bà Nụ kể: “Tôi năm nay 65 tuổi, quê Hưng Yên, ở chợ này đến nay là hơn 30 năm, không con cái, không nhà cửa. Ban ngày tôi đi bán hàng mã thuê, ban đêm thì bán nước cho các ông đi buôn cau.” Thỉnh thoảng có vài cô kéo hàng đi qua, cật lực bước từng bước. Bà Nụ nhìn theo bóng lưng của họ, kể rằng: “Tôi già yếu không có sức kéo hàng như các bà này. Toàn ở khắp nơi đến đây, thuê trọ trong kia, chồng con ở nhà. Có những người khổ lắm, làm được 2 đồng thì con phá tận 7 - 8 đồng. Đằng thì nghiện ngập, đằng thì cờ bạc, chỉ khổ mẹ chúng nó thôi.”
Gương mặt khắc khổ của những người phụ nữ mưu sinh dưới mưa
Tôi ngẫm nghĩ, người phụ nữ Việt Nam bao đời nay đã hy sinh nhiều để chăm lo và vun vén gia đình. Những người phụ nữ cửu vạn ở chợ Long Biên còn không có một ước mơ cho riêng mình. Họ cứ lầm lũi làm và làm mỗi đêm, chỉ mong ướt áo, nhiều hàng, có tiền trang trải cuộc sống và lo cho cho gia đình. Họ đến từ nhiều nơi, không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, nhưng tựu chung lại, họ đều nghèo. Cái nghèo bắt buộc họ phải gắn bó với công việc bèo bọt này, không có lựa chọn nào khác.
Nhìn những người phụ nữ lớn tuổi mà đêm nào cũng luôn chân luôn tay, tôi đặt ra một câu hỏi: Họ sẽ làm đến bao giờ?
“Làm đến lúc nào không làm được nữa thì thôi” - bà Hoa (60 tuổi, quê Nam Định) cười và nói với chúng tôi. Tôi không biết đến khi nào họ mới được nghỉ ngơi, trở về quê với gia đình của mình. Chắc ngày đó còn xa lắm. Tôi hình dung tất cả họ giống như những chiếc lá đang cố bám víu vào một cành cây vậy.
Họ kể về những người phụ nữ sinh non, những đôi chân không đi được bình thường, những đôi tay không còn nguyên vẹn, những đôi vai phồng rộp, những chiếc lưng gù,... nghe xót lắm! Dù vậy, họ vẫn làm công việc này từ khi còn trẻ đến lúc già. Và có lẽ khi già hơn nữa, họ vẫn còn làm…
Chợ càng lúc càng thưa. Một người phụ nữ kéo xe đi ngang qua tôi, trở về xóm trọ. Trên xe có ba củ cải đường và bà bảo đó là đồ người ta làm rơi, bà nhặt về để ngày mai nấu, đỡ được ít tiền…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!