Lười vận động - nguy cơ tiềm ẩn và mầm mống bệnh tật
Trong một thế giới mà công nghệ phát triển không ngừng và áp lực công việc khiến con người ngày càng dành ít thời gian cho tập luyện, thể thao để cân bằng cuộc sống. Sau thời gian dài thì việc lười vận động trở thành thói quen có hại cho sức khỏe đối với tất cả mọi người, từ trẻ con tới người lớn. Thực tế cho thấy, tại Anh, việc lười vận động tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước bởi họ phải dành rất nhiều chi phí cho việc chăm sóc các bệnh nhân bị ốm đau và các bệnh nguy hiểm như tiểu đường tuýp 2, tim mạch, ung thư.
Năm 2017, nhóm chuyên gia từ ĐH Stanford (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu từ Argus - một ứng dụng theo dõi vận động cực kỳ phổ biến tại hầu hết các nước trên thế giới. Dữ liệu này dựa trên 717527 người từ 111 quốc gia khác nhau trong vòng 3 tháng và đưa ra số bước chân trung bình mỗi ngày của các quốc gia này. Kết quả chỉ ra rằng người dân Việt Nam chỉ đi bộ 3643 bước mỗi ngày, thuộc nhóm 10 quốc gia ít đi bộ nhất trong tổng số 111 quốc gia được điều tra.
Với kết quả tương tự, nghiên cứu "Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam" doViện Dinh dưỡng Quốc gia mới công bố đã chỉ ra rằng đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường có thói quen ít hoạt động thể lực, đặc biệt hoạt động thể lực của học sinh hiện đang đối nghịch với tình trạng về cung cấp năng lượng, khẩu phần ăn.
Cụ thể, hoạt động thể lực kém còn thể hiện qua thời gian tĩnh trong ngày với 84,6% và 85,1% trẻ có thời gian tĩnh trên 2 giờ trong một ngày, bao gồm cả ngày thường và ngày nghỉ.
Theo một điều tra quy mô nhỏ khác năm 2018 từ Viện Dinh dưỡng về hoạt động thể lực của trẻ em trong 3 ngày (có cả ngày đi học bình thường, ngày ở nhà, bằng việc đeo máy đo bước chân), hoạt động thể lực của các em chỉ ở mức trung bình. Theo điều tra/nghiên cứu này, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, trung bình, ngủ dưới 8 tiếng ngày sẽ có nguy cơ gây thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nhiều, ngủ đủ, ngồi màn hình máy tính ít hơn.
Lười vận động tăng nguy cơ thừa cân, béo phì
Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra rằng có mối liên quan dương tính giữa tình trạng lười vận động và thừa cân béo phì ở trẻ em, trong đó thời gian ngồi màn hình, bao gồm cả màn hình máy tính, ti vi, điện thoại,...là những nguyên nhân rất đáng chú ý.
Theo kết quả nghiên cứu, nhìn chung đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường đều có thói quen ít hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực kém còn thể hiện qua thời gian tĩnh trong ngày với 84,6% và 85,1% trẻ có thời gian tĩnh trên 2 giờ trong một ngày tại ngày thường và ngày nghỉ. Thời gian ngồi màn hình có xu hướng tăng dần theo cấp học và vào ngày nghỉ thì nhiều hơn ngày thường. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ rằng thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh THCS lên 1,154 lần và ở học sinh tiểu học là 1,162 lần.
Kết quả này tương tự với kết quả của nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới về mối liên quan giữa thừa cân béo phì và thói quen ít hoạt động thể lực ở trẻ. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những trẻ ít hoạt động có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 3,8 lần so với những trẻ thường xuyên hoạt động thể lực.
Hơn nữa, ngày nay xã hội càng phát triển, chương trình truyền hình dành cho trẻ em cũng như các chương trình trên internet càng đa dạng và hấp dẫn, số giờ phát sóng lại liên tục trong ngày do đó trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp cận với truyền hình và internet. Thời gian ngồi trước màn hình tăng lên làm giảm hoạt động thể lực, giảm tiêu hao năng lượng, tăng ăn vặt đặc biệt là thức ăn giàu béo và đường. Theo các chuyên gia về lối sống, "Xem TV là thời gian ít vận động, nên thời gian "đổ bê tông" trước màn hình TV dễ khiến trẻ nhanh tăng cân".
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ,.. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng liên quan trực tiếp đến tình trạng này. Vì vậy, cần nhìn nhận đầy đủ các yếu tố này để đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ.
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%. "Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ trong Chương trình Sinh hoạt y khoa Pháp-Việt lần thứ 23 ngày 15/6 vừa qua.
Những con số gây "sốc" này cho thấy thói quen lười vận động, lối sống thiếu khoa học là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, những thói quen này ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra các giải pháp làm thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh và tăng cường nhận thức thêm cho thế hệ trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!