Thành phố Amsterdam của Hà Lan được mệnh danh là thủ đô của xe đạp. Ước tính, Amsterdam có tới trên 1,2 triệu xe đạp, nhiều hơn cả số dân trong thành phố. Hơn 60% người dân và du khách đi lại bằng phương tiện này. Bí quyết của Amsterdam là làn đường riêng trải dài hơn 400km, với những kí hiệu biển báo rõ ràng, ánh sáng thiết kế dành cho phương tiện hai bánh.
Thành phố Copenhagen của Đan Mạch cũng được mệnh danh là thành phố thân thiện với xe đạp. Năm 2016, lần đầu tiên số lượng xe hai bánh đã vượt qua số ô tô trên đường phố Copenhagen. Kể từ năm 2005, Đan Mạch đã đầu tư 115 triệu Euro vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp như các công trình dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ như cầu Cykelslangen.
Một số nước châu Âu khác gồm Pháp, Đức, Bỉ và Anh đều triển khai chương trình đạp xe đến công sở với nhiều sáng kiến khác nhau như giảm thuế, trả phí cho mỗi km đạp xe và hỗ trợ mua xe đạp.
Tại Pháp, hơn 20 công ty với tổng cộng 10.000 nhân viên đã cùng kí một thỏa thuận trả cho nhân viên 25 Cents với mỗi km họ đạp xe đi làm. Bỉ đã áp dụng chương trình miễn thuế đối với những người đi xe đạp từ nhiều năm qua. Hiện hơn 8% người dân nước này chọn phương tiện đi làm là xe đạp.
Cùng với các sáng kiến hỗ trợ chi phí, chương trình cho thuê xe đạp tại các đô thị cũng đóng vai trò không nhỏ để thúc đẩy người dân đi làm bằng xe đạp. Một số thành phố bao gồm Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh) và Stockholm (Thụy Điển) cũng đã học tập mô hình cho thuê xe đạp tại Paris, Pháp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!