Hút thuốc lá vốn là hành động cá nhân, thế nhưng đang là vấn nạn của toàn thế giới, khi mỗi ngày luôn có người chết bởi khói thuốc. Từng tham gia trên nhiều tuyến đầu phòng chống những căn bệnh nguy hiểm, trong đó có cả dịch COVID-19, thế nhưng PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) luôn trăn trở, tìm cách để làm sao giảm đi sức ảnh hưởng cũng như sự tàn phá của thuốc lá đến xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 luôn chực chờ để phát tán trong cộng đồng.
Những tháng vừa qua, dịch COVID-19 khiến thế giới chao đảo, hàng chục ngàn người đã tử vong do căn bệnh viêm phổi quái ác. Hoạt động chống dịch luôn được đề cao và thực hiện nghiêm ngặt, không chỉ ở công tác của ngành y tế mà còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của cộng đồng trong việc tự bảo vệ mình, thực hiện đủ các phương pháp phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một kẽ hở trong cuộc chiến chống dịch mà ít ai để ý tới: hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đây cũng là lý do tại sao PGS.TS Lương Ngọc Khuê trăn trở và lo lắng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê luôn là người đi đầu trong các phong trào phòng chống tác hại của thuốc lá
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hút thuốc lá sẽ gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng của cơ quan này, các chất độc trong khói thuốc làm giảm khă năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng, đồng thời ức chế miễn dịch, khiến sức khoẻ yếu đi và dễ bị gục ngã khi virus tấn công.
Theo cơ chế hoạt động của khói thuốc, khi xâm nhập vào cơ thể, các chất độc sẽ làm tê liệt các nhung mao có trong phổi. Và khi những nhung mao bảo vệ này mất tác dụng, người hút thuốc sẽ nhạy cảm đặc biệt với virus COVID-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, COVID-19 đã được công nhận là đại dịch toàn cầu, khi người hút thuốc lá có các căn bệnh nền về tim mạch, tiêu hoá, đái tháo đường… thì khi nhiễm COVID-19 dễ bị biến chứng nặng hơn. Rất nhiều trường hợp trên thế giới người nhiễm COVID-19 bị chuyển nặng, thậm chí tử vong do cơ thể có sẵn những căn bệnh nền trên.
Trong khi đó, tại Việt Nam, số người hút thuốc lá rất cao, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên sẽ có 1 người hút thuốc. Điều này dấy lên lo ngại về sức tấn công của virus COVID-19 tại Việt Nam sẽ vô cùng mạnh mẽ nếu không có sự kiểm soát.
Thói quen sử dụng thuốc lá có thể khiến tình trạng bệnh nhân thêm nguy kịch khi nhiễm virus COVID-19, đặc biệt là tạo thêm cơ hội cho virus phát tán ra cộng đồng
Nguy cơ lan truyền dịch COVID-19 trong cộng đồng không chỉ dừng ở sức khoẻ mà còn liên quan đến thói quen hút thuốc. Hành động hút thuốc lá với ngón tay đặt lên miệng sẽ tăng khả năng lan truyền virus từ tay vào cơ thể. Hoặc những dụng cụ hút thuốc thường được dùng chung như ống điếu, tẩu… tại các quán trà đá vỉa hè cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định: "Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khoẻ của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đây là sự lựa chọn chỉ có lợi chứ không hề có hại".
Hiện nay, trên thế giới số ca nhiễm virus COVID-19 đang không ngừng tăng lên. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của tuyến đầu chống dịch COVID-19, đã hơn 3 tháng không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đây là một điều đáng tự hào vô cùng, đặc biệt là khi toàn ngành y tế cùng toàn dân đồng lòng chống dịch. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể lơ là việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng, nhất là khi việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lấy nhiễm dịch. Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm sẵn sàng bỏ thuốc lá, vì chính sức khoẻ và hạnh phúc gia đình bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!