Sự kết hợp giữa noãn của người nữ và tinh trùng của người nam tạo nên một phôi thai. Như vậy, đối với cơ thể người mẹ, phôi thai có 1/2 quen là noãn của người mẹ, và 1/2 lạ - đó là tinh trùng của người cha. Cơ thể của người mẹ một mặt phản ứng với vật ghép tức là phôi thai gây ra biểu hiện thai nghén, một mặt giữ gìn phôi thai để sau 9 tháng 10 ngày sinh ra một sản phẩm hạnh phúc. Chính bởi vậy việc có thai còn được gọi là “bi kịch lạc quan”.
Nghén biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào cơ thể từng người. Có người phản ứng mãnh liệt, có người phản ứng nhẹ, lại có người gần như không phản ứng.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của nghén là nôn và buồn nôn, thường bắt đầu lúc thai được 4-8 tuần và giảm dần vào tuần thứ 14-16. Một số trường hợp có thể bị nôn mửa quá 3 tháng đầu thai kỳ. Nhưng sau đó, hiện tượng này ít xảy ra.
Trường hợp buồn nôn và nôn thường xuyên, dai dẳng rất hiếm xảy ra. Nếu có, đây là hội chứng nghén nặng, khiến cho người mẹ không duy trì đủ dinh dưỡng và lượng nước, hoặc không tăng cân đủ. Tuy nhiên, các thai phụ cần lưu ý: tình trạng này khác hẳn với tình trạng nôn vào những tháng cuối thai kỳ. Khi ấy hiện tượng nôn thường không do thai, có thể là dấu hiệu báo động những bệnh lý nặng như hội chứng gan nhiễm mỡ cấp tính, hội chứng nhiễm độc thai nghén. Điều này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ và thai nhi. Khi có những triệu chứng trên thai phụ cần đi khám ngay. Trước khi điều trị các triệu trứng của nghén bác sỹ thường loại trừ các nguyên nhân gây nôn mửa không do thai như: Rối loạn dạ dày, ruột, chức năng của tuyến giáp...
Sau đây là một số gợi ý giảm triệu chứng nghén khi mang thai:
1. Buổi tối nên đi ngủ sớm, trước khi đi ngủ nên tập thư giãn cho dễ ngủ và có được giấc ngủ đủ và sâu.
2. Buổi sáng khi thức dậy trên giường, thai phụ nên nằm im, thở thật đều và uống một cốc nước trà (tốt nhất là trà đen cho đỡ bị kích thích nhiều), sau đó bạn chỉ nên nhỏm dậy trong tư thế nửa nằm nửa ngồi vừa uống trà vừa ăn vài miếng bánh mỳ khô hoặc bánh quy, ăn xong thì nằm xuống thở đều đều vài phút nữa đợi cho mình tỉnh táo hẳn thì hãy rời khỏi giường.
3. Ăn nhiều rau quả, bổ sung đầy đủ các loại vitamine để giữ cho cơ thể được cân bằng, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, đừng ăn quá no.
4. Về tâm lý: quan niệm nghén gắn với mang thai dễ gây ra một dạng tự ám thị cho bạn. Vì vậy, bạn đừng nghĩ nhiều đến nghén, bạn hãy nghĩ đến việc làm sao cho mình được khoẻ mạnh và thấy thoải mái trong ba tháng đầu.