1. Sử dụng quá nhiều cử chỉ tay
Khi nói dối, bộ não phải xử lý cùng lúc nhiều thông tin như dựng lên câu chuyện, ghi nhớ chúng để phát triển các tình huống tiếp theo cho ăn khớp và tìm hiểu xem người nghe có tin tưởng vào câu chuyện đó hay không. Khi ấy, hai bàn tay sẽ vô thức thực hiện nhiều cử chỉ hơn cần thiết một cách thiếu tự nhiên. Hiện tượng này thường diễn ra ngay trước hoặc ngay sau câu nói dối.
2. Họ nói quá ít hoặc quá nhiều
Theo một nghiên cứu, khi bạn đặt câu hỏi với người nói dối, họ sẽ có xu hướng đưa ra ít thông tin hơn những người nói sự thật. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, kẻ nói dối cũng cố gắng tỏ ra đáng tin hơn bằng cách kéo dài câu chuyện nhưng lời nói của họ thường không chứa thông tin quan trọng.
3. Chỉ trỏ nhiều
Kẻ nói dối sẽ cố gắng thuyết phục rằng bạn đã sai và đào sâu sự thiếu tin tưởng của bạn bằng cách chỉ trỏ nhiều hơn bình thường. Họ cũng có thể tỏ ra hăm dọa bạn nếu cần thiết.
4. Chân bồn chồn, không đứng yên
Liên tục có những hành động như đổi chân trụ hay chân nhấc lên đặt xuống là kết quả của sự dao động trong thần kinh tự chủ khi nói dối. Hiểu một cách đơn giản hơn, đây là những dấu hiệu cho thấy sự lo lắng, bất an của kẻ không thành thật.
5. Xuất hiện sự chậm trễ
Một chuyên gia cho rằng nếu tốn hơn 5 giây để trả lời một câu hỏi, có thể câu trả lời bạn nhận được là những lời dối trá. Những kẻ nói dối cũng đồng thời cũng luôn có xu hướng cố gắng kìm nén cảm xúc của mình nên sẽ đưa ra phản ứng chậm hơn mức bình thường. Tuy nhiên, nếu người đó đang trong trạng thái mệt mỏi hay đã quen với phong cách nói chậm thì bạn không nên dựa vào tốc độ phản ứng để suy đoán kẻ nói dối.
6. Sử dụng chiến thuật đánh lạc hướng
Chiến thuật đánh lạc hướng bao gồm:
- Chuyển sang chủ đề khác.
- Sử dụng những câu dài dòng vô nghĩa để tạo sự bối rối.
- Trả lời bằng một câu hỏi khác.
7. Nhếch nhẹ môi về bên trái
Hãy cảnh giác với những cái nhếch môi nhẹ về bên trái, đây có thể là một dấu hiệu của việc bạn đang bị dối lừa. Việc phát hiện này cần sự nhạy bén và tinh tế nhất định bởi kẻ nói dối sẽ nhanh chóng đưa môi trở về trạng thái bình thường.
8. Sử dụng nhiều từ ngữ tiêu cực
Trái ngược với những người nói thật luôn muốn tỏ thiện chí hợp tác, những kẻ nói dối lại thường có thái độ và lời nói tiêu cực hơn. Họ luôn tỏ vẻ lo lắng, phàn nàn và thể hiện sự buồn chán, ghét bỏ hay chỉ trích nặng nề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!