Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích các mẫu băng được thu thập từ núi băng Guliya ở miền Tây Trung Quốc với độ cao gần 7000 mét so với mặt nước biển. Bằng cách kết hợp nhiều phương pháp cả cổ điển và hiện đại, đoàn nghiên cứu đã xác định được rằng lớp băng này đã có tuổi đời lên tới gần 15.000 năm.
Với đặc đặc điểm được tích tụ dần dần qua năm tháng, các mẫu băng đã giữ lại được tất cả những gì có trong môi trường xung quanh chúng và trở thành một nguồn nguyên liệu quý giá để các nhà khoa học tìm hiểu thêm về vi khuẩn, virus trong không khí và xa hơn nữa là hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Khi tiến hành những phân tích sâu hơn, mã di truyền của 33 loài virus đã được tìm thấy. 4 trong số đó có tên trong danh sách đã phát hiện trước đây và 28 loài còn lại vẫn còn là những ẩn số lớn chờ đợi các nhà khoa học lý giải. Dựa trên những thông tin có liên quan về môi trường và nhiều loài đã biết, các virus 15.000 năm tuổi được phát hiện mới đây có thể mang nguồn gốc từ đất hoặc thực vật, không phải từ động vật hay con người.
Các lõi băng được thu thập từ núi băng Guliya
Nghiên cứu về virus trong băng vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới. Lonnie Thompson, tác giả cao cấp, giáo sư Khoa học Trái đất tại bang Ohio cho biết, đây là một lĩnh vực khoa học đang dần trở nên quan trọng hơn khi khí hậu Trái Đất có xu hướng thay đổi thất thường như hiện tại.
Thompson nói: “Chúng ta đang biết rất ít về virus và vi khuẩn trong những môi trường khắc nghiệt này. Tuy nhiên, những nghiên cứu và hiểu biết về lĩnh vực đó lại vô cùng quan trọng bởi cách mà vi khuẩn và virus phản ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra với virus khi chúng đi từ kỷ băng hà sang thời kỳ ấm áp như hiện nay".
Núi băng tại cao nguyên Tây Tạng
Matthew Sullivan, một trong các tác giả của nghiên cứu này và đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa học Vi sinh vật của bang Ohio cho biết: “Đây là những loại virus có khả năng phát triển vô cùng mạnh mẽ trong môi trường khắc nghiệt. Chúng có dấu hiệu của các loại gen đặc biệt giúp lây nhiễm vào các tế bào trong điều kiện của môi trường lạnh giá như trên núi Guliya. Việc phân tích chuỗi gen mang khả năng này giúp chúng ta có hy vọng hiểu biết sâu hơn các loại vi khuẩn trong những môi trường khắc nghiệt khác như sa mạc Atacama của Trái Đất hay thậm chí là cả sao Hỏa, mặt trăng”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!