Phủ xanh sa mạc: Từ ý tưởng đến thực tế

Tuấn Phong (theo CNN)-Thứ năm, ngày 05/12/2024 06:06 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là hai cuộc khủng hoảng toàn cầu có liên quan với nhau. Ý tưởng phủ xanh vùng đất khô cằn đang ngày càng được ưa chuộng.

Câu chuyện phủ xanh sa mạc ở khắp nơi trên thế giới

Một nhóm kỹ sư và nhà sinh thái học có kế hoạch đầy tham vọng: Biến bán đảo Sinai đang ngày một cằn cỗi của Ai Cập thành nơi xanh tươi, trù phú; nơi phát triển, sinh sống của nhiều loài động, thực vật.

Kỹ sư người Hà Lan Ties van der Hoeven cho biết, hàng nghìn năm trước, bán đảo Sinai của Ai Cập tràn ngập sự sống, nhưng quá trình canh tác và các hoạt động khác của con người đã góp phần biến nơi đây thành sa mạc.

Ông đã dành nhiều năm để ấp ủ sáng kiến ​​nhằm khôi phục đời sống thực vật và động vật trên diện tích khoảng hơn 20 nghìn kilomet vuông. Ties van der Hoeven nói với CNN rằng, cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng hủy hoại, làm kiệt quệ hành tinh là tái tạo hệ sinh thái trên quy mô lớn.

Phủ xanh sa mạc: Từ ý tưởng đến thực tế - Ảnh 1.

Một nhóm kỹ sư và nhà sinh thái học ấp ủ ý tưởng phủ xanh cho bán đảo Sinai của Ai Cập (Ảnh: Getty Images)

Các dự án phủ xanh sa mạc không phải điều quá mới mẻ mà đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, triển khai nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa - một hiện tượng mà Liên hợp quốc gọi là “cuộc khủng hoảng thầm lặng, vô hình, đang làm mất ổn định các cộng đồng trên quy mô toàn cầu”. Trước đó, CNN cũng thông tin, một kế hoạch đầy tham vọng do Liên minh châu Phi đưa ra vào năm 2007 nhằm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, tìm lại màu xanh, cải thiện tình trạng chất lượng đất ngày càng xấu đi, thiếu thảm thực vật dẫn đến mất an ninh lương thực. Sáng kiến The Great Green Wall (GGW - Bức tường xanh vĩ đại hay còn được gọi là Vạn lý trường thành xanh) mang theo hy vọng khôi phục 100 triệu ha đất giữa Senegal và Djibouti, tạo thành một bức tường rộng 15km và dài 8.000km bao phủ bởi cây cối, thảm thực vật, đồng cỏ… GGW còn được kỳ vọng, đến năm 2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra hơn 10 triệu việc làm.

Phủ xanh sa mạc: Từ ý tưởng đến thực tế - Ảnh 2.

Dự án Great Green Wall (Ảnh: UNCCD)

Ties van der Hoeven cho biết, khi lập kế hoạch cho dự án Sinai, ông đã tình cờ xem được bộ phim Green Gold do John Liu, nhà quay phim chuyển sang làm nhà sinh thái học thực hiện. Bộ phim ghi lại một dự án phủ xanh sa mạc rộng lớn ở cao nguyên ở miền Bắc Trung Quốc. Khu vực này có diện tích gần bằng bang California (Mỹ), đã bị suy thoái nghiêm trọng do nhiều năm canh tác quá mức. Với thảm thực vật thưa thớt và được bao phủ bởi lớp đất mỏng màu vàng, vùng đất này rất dễ bị xói mòn.

Trong nỗ lực cải tạo đất đai, Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới đã triển khai một chương trình phủ xanh quy mô lớn vào những năm 1990, trồng cây xanh và cây bụi. Một số vùng đất hiện được phủ xanh, xói mòn đất đã giảm, nguy cơ lũ lụt cũng giảm.

Những ý kiến trái chiều

Phủ xanh sa mạc không phải là ý tưởng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối mà thực tế lại gây nên tranh cãi.

Có một số ý kiến cho rằng: Quá trình phủ xanh có thể dẫn tới nhiều loài sinh trưởng nhanh, trở thành loài xâm lấn, lấn át các loài thực vật bản địa, gây hại cho động vật hoang dã vốn sinh sống ở sa mạc. Vô số loài thực tế không thể tồn tại nếu không có sa mạc, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, gây nên sự tuyệt chủng. Các sa mạc không chỉ có sự cằn cỗi mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ Trái đất, thúc đẩy sự tập trung và hình thành nhiều loại khoáng chất hữu ích…

Trong giai đoạn đầu của dự án Vạn lý trường thành xanh của châu Phi, hàng loạt cây đã chết vì thiếu nước, bị bỏ bê hoặc vì chúng không phù hợp với đất. Ngay cả ở cao nguyên Hoàng Thổ, nơi được ghi nhận là một thành công đáng kinh ngạc, vẫn có bằng chứng cho thấy thảm thực vật có thể gần bằng hoặc thậm chí vượt quá khả năng cung cấp nước của địa phương. Một nghiên cứu năm 2020 về khu vực này cho thấy, lượng bốc hơi cao hơn từ cây cối ít tác động đến việc tăng lượng mưa, thậm chí còn dẫn đến "giảm lượng nước phục vụ cho nông nghiệp hoặc các nhu cầu khác của con người".

Phủ xanh sa mạc: Từ ý tưởng đến thực tế - Ảnh 3.

Phủ xanh sa mạc tạo nên ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa)

Trồng nhiều cây xanh ở góc độ đánh giá khác có khi còn có tác dụng làm “ấm” hơn vì sa mạc sáng màu có thể phản xạ nhiều năng lượng Mặt trời trở lại không gian hơn so với thảm thực vật vốn tối màu. "Sa mạc thực sự làm mát hành tinh", Raymond Pierrehumbert, Giáo sư Vật lý tại Đại học Oxford cho biết. Ông nói với CNN rằng, mặc dù việc phủ xanh những nơi khô cằn có thể mang lại hiệu ứng làm mát cục bộ, nhưng cuối cùng chúng có thể "khiến phần còn lại của hành tinh trở nên tồi tệ hơn".

Alice Hughes, Phó Giáo sư tại Khoa Khoa học Sinh học của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, những dự án phủ xanh sa mạc thậm chí là sự lãng phí, gây xao nhãng cho vấn đề quan trọng hơn là bảo vệ những gì đang có, đang biến mất từng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc.

Trước những ý kiến trái chiều, kỹ sư Ties van der Hoeven - người ấp ủ sáng kiến phủ xanh bán đảo Sinai - thừa nhận dự án này sẽ rất phức tạp nhưng ông tin rằng, việc thử nghiệm là rất quan trọng. Ông cho biết: "Chúng ta nên bảo vệ thiên nhiên bằng tất cả những gì chúng ta có và chúng ta cũng nên phục hồi thiên nhiên bằng tất cả những gì chúng ta có". Ông cũng tin rằng việc thay đổi khí hậu ở bán đảo Sinai sẽ có tác động lan tỏa tích cực cho khu vực.

Sa mạc Sahara hiếm hoi trở thành 'hồ nước xanh' sau nửa thế kỷ Sa mạc Sahara hiếm hoi trở thành "hồ nước xanh" sau nửa thế kỷ

VTV.vn - Một trận mưa lớn hiếm hoi đã đổ xuống sa mạc Sahara, mang lại lượng nước dồi dào chưa từng thấy trong 50 năm, biến vùng đất khô cằn thành những hồ nước xanh mát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước