Quan trọng bảo vệ mắt khi bơi lội

Nguyệt Ánh-Thứ ba, ngày 24/07/2012 12:00 GMT+7

Mùa hè nhu cầu bơi lội của người dân tăng cao, nhất là trẻ em. Nhưng bơi lội nhiều, nhất là tại ao hồ, sông suối khi điều kiện vệ sinh chưa được bảo đảm dễ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm các bệnh về mắt.

Bể bơi mùa hè đôi khi là ổ bệnh (Ảnh minh họa: KTDT)

Mùa hè, trẻ em được nghỉ học và thời tiết phù hợp nên nhu cầu vui chơi, nhất là bơi lội cao hơn hẳn so với các mùa khác. Bên cạnh vấn đề an toàn cho thân thể, điều các bậc phụ huynh cần lưu ý là tìm được cách thức bảo vệ đôi mắt cho trẻ khi bơi lội, nhất là tại những khu vực điều kiện vệ sinh chưa được bảo đảm.
Theo bác sỹ Tôn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch hội Nhãn khoa Việt Nam, để phòng ngừa các bệnh về mắt cho trẻ, trước tiên cần dùng đúng thuốc nhỏ mắt có đủ các yếu tố chuẩn và đúng theo hướng dẫn sử dụng.
Cụ thể, mỗi loại thuốc nhỏ mắt phải đạt được ba tiêu chuẩn quan trọng, thứ nhất là độ vô khuẩn, thứ hai là độ pH bằng với độ pH của nước mắt, và cuối cùng là nồng độ đẳng trương bằng với những chất ở trong nước mắt.
Từ xưa đến nay, nhiều loại cây cỏ có tác dụng chữa các bệnh về mắt được sử dụng nhưng chủ yếu chế biến bằng cách giã đắp vào mắt hoặc xông. Dựa trên các bài thuốc dân gian, cùng với ứng dụng khoa học, hơn 10 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã chiết xuất tinh chất từ các loại cây cỏ đó mang lại tiện ích và đáp ứng nhu cầu bảo vệ mắt của cộng đồng.
Theo tư vấn của dược sỹ Nguyễn Thị Năm, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Dược Hà Nội, nếu đi bơi lội mà phải nước bẩn, các phụ huynh có thể nhỏ thuốc để bảo vệ mắt. “Còn những đợt đau mắt đỏ, chỉ cần một lọ cloroxit nữa là xong, chứ không nhất thiết là phải chữa bằng những loại thuốc đắt tiền…”, dược sỹ Năm phân tích.
Ngoài việc bơi lội, trước áp lực của học hành, công việc và thói quen sinh hoạt, mắt trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực. Vì vậy, khám mắt thường xuyên, sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là một trong những cách thức giúp mỗi chúng ta bảo vệ đôi mắt của mình an toàn hơn.
Lưu ý khi bơi lội, chất chlorine trong nước ở bể bơi có thể gây kích ứng cho giác mạc, vì thế, nếu bơi nhiều nên đeo kính bảo vệ mắt. Đặc biệt, không nên đeo kính áp tròng dưới nước vì kính áp tròng sẽ “dẫn đường” cho chlorine, vi khuẩn và thành phần độc hại có thể có trong nước vào mắt.
Cũng theo tư vấn của các bác sĩ, nên đến bác sĩ ngay nếu bị đau mắt đỏ do nước hồ bơi nhiễm khuẩn. Trong ăn uống, có thể chọn chế độ dinh dưỡng nhiều rau lá xanh và trái cây có thể giảm bớt nguy cơ bệnh thoái hóa điểm vàng, làm giảm bệnh tăng nhãn áp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước