Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng

Nguyễn Chiến - Nguyễn Hà-Thứ ba, ngày 03/09/2024 16:59 GMT+7

Các thuyền bơi, đua xuất phát tại Mũi Viết - Sông Kiến Giang

VTV.vn - Lễ hội Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là nét chấm phá ấn tượng cho lịch sử văn hóa, đời sống đa sắc màu, là Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 1.

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang hằng năm được tổ chức tại Mũi Viết – Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Chiến

  

Sông Bình Giang xưa, nay là sông Kiến Giang được miêu tả trong sách "Ô Châu cận lục" của Tiến sĩ Dương Văn An thế kỉ XVI rằng "...nước trong xanh, vị ngọt, khuất không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là con sông đẹp nhất trong xứ…". Có lẽ vì vẻ đẹp hiếm nơi có được, nơi đây dần tập hợp được nhiều cư dân tới sinh sống, khai khẩn đất đai, tạo nên không gian sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong tổng thể nền văn hoá Việt Nam. 

Sông Kiến Giang là nơi sinh hoạt hàng ngày của cư dân tự bao đời từ tắm, giặt, chuyện trò, hò hẹn,...từ đó mới hình thành thói quen sinh hoạt văn hoá làng, xã, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo. Chẳng biết tự bao giờ, vùng đất Lệ Thuỷ lại có một lễ hội bơi, đua truyền thống ăn sâu vào tâm thức của con người nơi đây đến vậy. Vùng đất ấy hấp dẫn con người ta bởi những điều đơn giản, bình dị đến lạ thường. 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 2.

Dòng sông Kiến Giang - huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Chiến

Những điều lý thú

Dòng Kiến Giang từ trước đến nay, có những điều khá lý thú. Dù có năm hạn hán lớn làm cạn kiệt nước dòng Nghịch Hà, thì cứ đúng dịp tổ chức Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, trời sẽ đổ mưa để làm đầy nước. Theo lời kể, những năm 1993, 1998 xảy ra trận hạn hán lịch sử, dòng Kiến Giang khô cạn, nhiều người nghĩ trong 2 năm đó, lễ hội sẽ không thể diễn ra được. Thế nhưng, thật bất ngờ, trước ngày Quốc khánh 2/9, trời lại đổ mưa lớn, sông lại đầy nước, lễ hội diễn ra trong sự hân hoan của người dân nơi đây. 

Ngược dòng Kiến Giang về phía hạ tiêu, vùng dưới của huyện Lệ Thuỷ là khu vực có truyền thống bơi, đua từ ngàn đời nay, trong đó có xã An Thuỷ. Dọc theo bờ sông Kiến Giang, dừng chân tại làng Mỹ Lộc Thượng, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, chúng tôi mới cảm nhận rõ tinh thần chung của mọi người mỗi mùa bơi, đua. An Thuỷ là địa phương có truyền thống bơi, đua lâu đời của huyện nhà, trong đó làng Mỹ Lộc Thượng là địa phương nổi bật. Trong hơn 13 năm thời kỳ tỉnh Bình Trị Thiên, thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ luôn là địa phương dẫn đầu truyền thống bơi đua và liên tục nhiều năm giành vị trí quán quân. 

Trong 5 năm từ 1986 đến 1990 đò bơi Mỹ Lộc Thượng liên tục về nhất nên đã đoạt cúp luân lưu vĩnh viễn và cách khoảng 1 năm sau đó, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu (năm 1992-1993). Từ năm 1977-1991, lúc hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh chưa tách, làng cũng luôn giành thứ hạng cao của huyện Lệ Ninh. Sau khi bị chia cắt thành hai huyện, làng vẫn giữ được phong độ, chưa có làng nào đạt cúp luân lưu vĩnh viễn như làng Mỹ Lộc Thượng. 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 3.

Các tay chèo băng băng lướt theo nhịp tiếng gõ mõ

Độc đáo trong bơi, đua thuyền truyền thống

Những ngày này, khắp các làng quê của huyện Lệ Thuỷ, người dân náo nức chuẩn bị bơi, đua. Những chiếc thuyền bơi đủ dài cho 13 cặp bơi 5 éc đơn gồm 1 trau đề, 1 lái, 1 phách và 2 mõ, tổng cộng không quá 31 người được đóng công phu dưới bàn tay của các nghệ nhân chân truyền. Thuyền bơi sẽ được làm từ những thân gỗ dài chủ yếu từ cây huỵnh, dỗi, được khai thác từ rừng đại ngàn có chiều dài từ 20-30m đưa về đóng đò. Tiêu chuẩn của thuyền bơi là phải nổi vừa trên mặt nước, khi lao về phía trước không được chờm sóng, thuyền đi nhanh, nhẹ, êm thì sẽ rất dễ giành chiến thắng. 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 4.

Thuyền bơi Mỹ Thuỷ trở hạ tiêu đầy kịch tính

Quy mô ngày một nâng cao về cả cách thức tổ chức và số lượng ứng cử viên tham gia. Thuyền bơi nam gồm 24 thuyền bơi đi với quãng đường khoảng 24km, thuyền đua nữ gồm 9 thuyền đua đi với quãng đường khoảng 18km. Riêng thuyền bơi nam sẽ được chia thành 2 bảng, tổ chức thi tranh bảng vàng vào ngày 30/8 thường niên. Cả thuyền bơi và thuyền đua đều được tuyển chọn khắt khe về sức khỏe, sức bền bỉ. Các vận động viên nam, nữ được tuyển chọn từ các trai bơi, gái đua khoẻ mạnh, dẻo dai. Riêng đội bơi nam ngồi thành từng cặp đều tăm tắp và dùng mái dầm ngắn, bản rộng; đội đua nữ đứng chèo. Nhịp của đội thuyền được duy trì bởi tiếng gõ mõ của người ngồi đầu mũi, thống nhất sức mạnh của toàn thuyền. Còn phía cuối thuyền có ba người chèo để giữ thuyền đi đúng hướng, đúng luồng, cũng như góp phần tăng vận tốc.


Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 5.

Người dân 2 bên bờ sông cổ vũ cho Thuyền đua nữ thôn An Xá

Mỗi thuyền bơi, thuyền đua đều có các bộ phận gồm lái, cai, mọ, trai, mũi (mụi, phần đầu của đò). Mỗi bộ phận đều có riêng những chức năng, đặc điểm được quy định riêng để hỗ trợ nhau giúp thuyền thuận lợi về đích và vượt chướng ngại vật. 

Phương ngữ địa phương hiếm nơi nào có được

"trở hớt" có thể coi là phương ngữ trong bơi đua. Các đò bơi sẽ di chuyển từ vị trí Mũi Viết lên thượng tiêu (Cồn Soi - Mỹ Thuỷ), vòng về hạ tiêu (Phú Thọ-An Thuỷ) và về đích tại điểm xuất phát ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thi đấu, các đò bơi không hoàn toàn thuận lợi trên đường đua xanh, có thể vì lí do khách quan hay chủ quan, đò bơi gặp sự cố chìm đò hoặc bị các đò khác bỏ quá xa. Vì thế, các đò bơi, đò đua có thể quyết định "trở hớt" nghĩa là không vòng qua thượng tiêu mà chìm ngang đâu đấy trên đường đua, đồng nghĩa với bỏ cuộc. 

"ngoắt nôốc bơi" nghĩa là đi cổ vũ, động viên tinh thần cho các đò bơi mỗi dịp bơi, đua. Người cổ vũ thường sẽ đứng dọc 2 bên bờ sông để "ngoắt", hò hét trong niềm phấn khích cực độ. Người ta "ngoắt" thuyền bơi thường sử dụng nón lá, thậm chí là mâm, soong, nồi, bát, chảo,...những vật dụng gì có thể tạo ra âm thanh to và vang. 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 6.

Bà con nhân dân 2 bên bờ sông cổ vũ cho các đội bơi, đua bằng các vật dụng sinh hoạt trong gia đình

"Niềm vui phấn khởi trong mùa bơi, đua"

"Tháng Tám mùa thu người người háo hức, làng làng rạo rực đóng thuyền luyện quân" (lời bài hát Bơi đua quê mình - Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí). Từ lâu, Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, "món ăn" ấy thấm vào máu thịt của bao người như một dấu triện chứng minh cho tình yêu nguồn cội luôn cháy bỏng của người dân nơi vùng chiêm trũng. 

Cứ thường niên mỗi dịp bơi, đua, bà con nhân dân huyện Lệ Thuỷ đều có điểm chung là gác lại công việc đồng áng, gia đình tề tựu dưới bến sông sửa đò, tập luyện nghiêm túc chuẩn bị cho ngày trọng đại. Thường niên, các đò bơi sẽ hạ thuỷ trước 1 tháng, tập luyện liên tục cho đến cận ngày thi đấu. Mỗi trai bơi, gái đua ai cũng mang cho mình lòng nhiệt huyết rạo rực, niềm tin sẽ tranh cúp vô địch. 

Những giá trị ẩn mình

Là địa phương được mệnh danh là nơi ăn mừng Tết Độc lập lớn nhất cả nước, với đặc điểm văn hóa phong phú, lễ hội nơi đây còn mang những giá trị sâu sắc về các phương diện lịch sử, văn hoá - xã hội. 

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang mang giá trị văn hoá tâm linh rất đặc sắc, đó chính là lễ hội diễn ra ở không gian thiêng, được đánh giá là hiếm nơi nào có được bởi vị trí địa lý đặc biệt ở Lệ Thuỷ với vùng "sông nước Mũi Viết hướng lên một dãy liên sơn/ An sinh đổ về đôi về phúc biển". Từ xưa, sông Bình Giang (nay là sông Kiến Giang) là một khu vực trù phú, tâm linh với 3 điểm văn hoá hội tụ: Trốốc Vực, Mũi Viết, Phá Hạc Hải tạo nên không gian đất thiêng, sông thiêng, núi thiêng, nước thiêng. Người ta đến Lệ Thuỷ không chỉ xem đua thuyền mà còn hoà mình vào tín ngưỡng tâm linh. 

Ngoài ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, "lễ hội cầu đảo", cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu thì người ta còn nhìn thấy ở bề sâu lễ hội những thông điệp cuộc sống sâu sắc, phản ánh phẩm chất tốt đẹp của con người. Đó là tinh thần vượt khó; tính kiên trì, nhẫn nại, đi tới nơi về tới chốn; lối sống lạc quan, yêu đời; đạo lý "uống nước nhớ nguồn". 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 7.

Các thuyền bơi tăng tốc đoạn qua Cầu Kiến Giang

Niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân 

Tự hào khi là gương mặt thương hiệu đại diện cho một làng, một xã, các vận động viên bơi, đua dù mang trong mình nhiều nỗi lo khi thi đấu nhưng cũng không dấu nổi sự tự hào. Đặc biệt là khi nhìn thấy màu cờ sắc áo của địa phương luôn hướng theo sau trong những trận đấu không khỏi xúc động mà dồn hết sức bình sinh thi đấu vì lòng tự tôn. 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 8.

Đông đảo cổ động viên không quản nắng nóng tập hợp lại cổ vũ cho thuyền bơi, thuyền đua địa phương mình

Nhiều nhóm cổ động viên thành lập với những tên gọi bắt tai và rất cừ. Như hội cổ động viên xã Mỹ Thuỷ thành lập với cái tên nghe rất kêu "cơn lốc màu da cam". 

"Hội cổ động viên của xã Mỹ Thuỷ được thành lập và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ đông đảo con em của xã. Cá nhân mình không dấu được niềm hân hoan và tự hào biết bao khi góp sức mình điều hành hoạt động của nhóm. Chúng mình muốn tạo nên điều gì đó thật đặc biệt, đặc biệt hơn là muốn thôi thúc sức chiến đấu phi thường của trai bơi xã để họ thi đấu hết mình vì màu áo da cam đặc trưng của thuyền bơi xã Mỹ Thuỷ". Bạn Hoàng Kim Sang chia sẻ. 

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Tý, một trong những cổ động viên nhiệt huyết của thôn Mỹ Lộc Thượng mới hiểu hết được tình cảm, sự kỳ vọng của bà con với trai bơi, gái đua. 

"An Thuỷ cũng được coi là một trong những địa phương có truyền thống bơi đua thuộc top đầu của huyện. Bên cạnh thi đấu với các đò bơi, đua trên toàn huyện, chúng tôi cũng tổ chức cạnh tranh giữa các đò giữa các thôn trong địa bàn xã với nhau nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh và ghi lại nhiều dấu ấn với con em ở quê, con em xa quê. Không chỉ cá nhân tôi mà toàn thể bà con xã nhà đều vô cùng phấn khởi mỗi dịp bơi, đua. Chúng tôi không ngại đồng thanh hô to tên thôn, xã của mình. Thực sự, đó là cảm giác mà xúc động, tự hào biết bao". 

Quảng Bình: Đặc sắc lễ hội nơi miền chiêm trũng  - Ảnh 9.

Không khí vui tươi trong ngày tết Độc lập trên sông Kiến Giang

Vợ chồng ông bà Phạm Văn Thi, Phan Thị Mưng đều là trai bơi, gái đua kỳ cựu của thôn Lộc An, xã An Thuỷ. Tính đến thời điểm hiện tại, ông bà đã có kinh nghiệm thi đấu dày dạn nhưng mỗi dịp "ra chiến trận" bà Mưng đều mang cảm xúc khó tả. Bà chia sẻ mỗi lần thi đấu đều mang cảm xúc bồi hồi, đặc biệt là lúc bốc thăm thứ tự thuyền đua để chuẩn bị thi đấu. Bà và chị em trên thuyền động viên nhau, rồi mỗi người tự trấn an bản thân để giữ tâm trạng tự tin, thoải mái, an tâm thi đấu. "Mỗi lần thi đấu, cô đều lẩm nhẩm bài hát gì đó để vơi đi phần nào nỗi lo", bà cười nói.

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang bên cạnh mục đích là cầu đảo, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, lễ hội cũng là cơ hội để thi thố sức trai, sức gái giữa các địa phương với nhau để chế ngự thiên nhiên, thể hiện sâu sắc tinh thần thượng võ, sự quật cường của người dân quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước