Trong những ngày gần đây, công trình trùng tu Chùa Cầu (La Viễn Kiều) ở TP. Hội An đã hoàn thiện, những tấm tôn bao quanh sử dụng cho việc triển khai thi công cũng đã được tháo dỡ. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã bắt đầu check-in Chùa Cầu sau những ngày tháng mong đợi.
Cũng từ đây, dư luận xuất phát hai luồng ý kiến trái chiều khi tham quan Chùa Cầu: Một số người cho rằng Chùa Cầu sau khi trùng tu quá lạ lẫm, không quen mắt như trước đó. Một số khác cho rằng, việc trùng tu, khôi phục lại Chùa Cầu đã cũ mục, dễ hư hỏng là nỗ lực rất lớn của các đơn vị chức năng và cả những chuyên gia.
Chùa Cầu Hội An đã hoàn thành việc trùng tu.
Theo một số du khách, một số chi tiết như hoa văn trên đỉnh ngói, màu hoa văn, ngói mới, màu sơn tường…tạo cảm giác khập khiễng, không ăn nhằm với kiến trúc trước đây đã quen nhìn. Hơn nữa, mái ngói được thay bằng chất liệu mới, nhìn quá…hiện đại, làm mất đi vẻ cổ kính của di tích Chùa Cầu.
"Cuối tuần chúng tôi ra Hội An tham quan, nhìn ở xa, Chùa Cầu quá mới, như một công trình hiện đại, không như trước. Màu sơn quá sáng, màu ngói cũng khác, chúng tôi thấy lạ lẫm quá" anh Mai Đại Chí (ngụ TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết.
Nhiều du khách trong và ngoài nước đã bắt đầu check-in Chùa Cầu sau những ngày tháng mong đợi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung (ngụ ở khối phố Ang Bàn, TP. Hội An), cho rằng việc Chùa Cầu được trùng tu sẽ giúp giữ cho di tích này được lâu hơn, đáp ứng tốt cho nhu cầu du khách tham quan. Việc trùng tu giữ nguyên bản sắc của Chùa Cầu cũ, chỉ là nhìn hơi mới, sáng hơn. Theo thời gian, người dân quen mắt, thì thấy bình thường. Nhìn chung, Chùa Cầu vẫn giữ được kết cấu như cũ, không có gì thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết: Phía UBND TP đã lắng nghe, tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân cũng như du khách sau quá trình trùng tu Chùa Cầu.
UBND Tp. Hội An sẽ điều chỉnh lại màu sơn của Chùa Cầu cho giống với công trình cũ sau khi lắng nghe ý kiến từ cộng đồng.
Cũng theo ông Sơn, màu sắc của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm, giữ nguyên màu; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố cũng chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc. Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên đã được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng...
Nhiều ý kiến trái chiều về "diện mạo mới" của Chùa Cầu sau trùng tu.
Tuy nhiên, màu sơn tường hiện nay hơi đậm, gây cảm giác khác lạ với hình ảnh rêu phong, cũ kỹ trước đây, chính quyền đã bàn với các ngành chức năng liên quan để cho sơn lại cho phù hợp, sát với màu của Chùa Cầu trước kia hơn.
"Không có công trình nào đại trùng tu mà không có sự thay đổi ít nhiều, quan trọng là yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính vững bền. Tức là, một mặt phải bảo đảm tính nguyên gốc của nó, tất các những phần kiến trúc còn có thể sử dụng được như gỗ, sàn, lan can… nếu đảm bảo thì giữ lại. Mặc khác, những cấu kiện đã mục rỗng, hư hỏng nặng thì phải thay thế để đảm bảo tính vững chắc" ông Sơn nói.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư khoảng 20,2 tỷ đồng, do UBND Tp. Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện; Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022. Trong quá trình tu bổ, các đơn vị tiếp tục nhận được sự tham vấn của chuyên gia về một số hạng mục quan trọng, do đó UBND tỉnh Quảng Nam gia hạn thời gian hoàn thành. Lễ khánh thành sẽ được tổ chức vào chiều 3/8, cùng lúc sẽ phát hành sách “tu bổ di tích Chùa Cầu”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!