Những ngày tháng 2 âm lịch này khi đến với Yên Tử, du khách không chỉ du xuân, chiêm bái đất tổ Phật giáo mà còn được chiêm ngưỡng những vạt mai vàng rực rỡ - hương sắc xuân đặc trưng của nơi đây.
Tương truyền, từ thế kỷ XIII, sau khi Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và rời kinh thành về núi Yên Tử tu hành, Ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên. Theo thời gian, Yên Tử đã có cả một rừng mai, có những cây "đại lão mai vàng" đến nay đã hơn 700 năm tuổi.
Mai vàng Yên Tử thường nở rộ trong vòng 1 tháng, đẹp nhất chỉ trong 10 ngày. Đây là loài hoa quý đặc hữu của non thiêng Yên Tử, nở thành chùm, mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết. Không giống với các loài mai khác, mai vàng Yên Tử thường mọc ở các vách đá hiểm trở, trong rừng sâu lạnh giá nhưng vẫn sinh trưởng mạnh mẽ. Loài hoa quý này là biểu trưng cho sắc xuân Yên Tử, tạo thêm cảnh quan độc đáo, sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn du khách về với đất Phật.
Rừng quốc gia Yên Tử hiện còn hơn 200 cây mai cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm. Trong đó, có 20 cây "đại lão mai vàng" đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Để bảo tồn nguồn gen quý, cùng với bảo vệ diện tích mai vàng Yên Tử trong tự nhiên, nhiều dự án nhân giống, trồng giống hoa này đã được địa phương triển khai, phát huy hiệu quả với sự tham gia tích cực của cả doanh nghiệp và người dân.
Quan tâm bảo tồn và phát triển mai vàng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh nâng tầm giá trị, đưa loài hoa này vào các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn, không chỉ biểu trưng cho sắc xuân non thiêng Yên Tử mà còn tạo thêm sức hút, giá trị của du lịch Quảng Ninh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!