South Col - sông băng cao nhất trên đỉnh Everest. (Ảnh: Getty Images)
Trong một nghiên cứu ấn tượng mới đây, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành quan sát và theo dõi dòng sông băng trên đỉnh núi cao nhất thế giới – sông băng South Col (có độ cao gần 8.000m so với mực nước biển) để tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực này. Sau khi lắp đặt hai trạm thời tiết và thu thập lõi băng từ South Col, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tốc độ mất đi băng của dòng sông này gấp khoảng 80 lần so với tốc độ hình thành băng.
Phân tích cốt lõi của nhóm nghiên cứu cho thấy một khối lượng băng mất 2.000 năm để hình thành đã tan chảy hoàn toàn kể từ những năm 1990. Cụ thể, trong 25 năm qua, South Col đã mất hơn 54m độ dày của băng. Đồng thời, họ cũng ghi nhận rằng lượng băng mất đi mỗi năm của dòng sông này tốn nhiều thập kỷ để tích tụ. Trong khi tác động của gió và sự thay đổi độ ẩm cũng góp phần vào sự mất mát, sự thay đổi khí hậu do các hoạt động của con người vẫn được xác định là nguyên nhân chính
Đồng tác giả của nghiên cứu Paul Mayewski cho biết: “Nghiên cứu này đã trả lời một trong những câu hỏi lớn: liệu các sông băng cao nhất trên hành tinh có bị tác động bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra hay không”.
Các nhà nghiên cứu khoan lõi băng với đỉnh núi Everest ở phía sau (Ảnh: Dirk Collins, National Geographic)
Sự suy giảm nhanh chóng của lượng băng trên sông có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngọn núi và những người sống gần nó. Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng sự mất băng dẫn đến hiện tượng tuyết lở nhiều hơn hoặc để lộ nhiều đá móng hơn trên đỉnh Everest, khiến khu vực này trở nên nguy hiểm hơn với các nhà leo núi.
Dù South Col chỉ là một trong số nhiều sông băng trên dãy Himalaya, vị trí cao đặc biệt của nó cho thấy rằng không một khối băng nào an toàn trước biến đổi khí hậu. Các tác giả cho biết nếu xu hướng tan chảy tương tự xảy ra ở các sông băng khác trên dãy Himalaya, nguồn nước lưu trữ trên sông băng mà hơn 1 tỷ người phụ thuộc vào để làm nước uống, tưới tiêu có thể bị cạn kiệt.
Thực chất, ngay từ những năm 1950, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự thất thoát băng do biến đổi khí hậu tại khu vực sông băng South Col. Tuy nhiên, đến những năm 1990, sự việc này mới trở nên đáng báo động khi tốc độ tan băng nhanh khiến các lớp tuyết tích tụ bên ngoài theo thời gian biến mất, để lộ lớp băng thô của sông trước bức xạ mặt trời. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu nhận định rằng cần phải tìm hiểu sự tan chảy này có ảnh hướng như thế nào, có nét tương đồng ra sao với các sông băng khác trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!