Theo một công bố mới đây của NASA, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ hạ cánh cách đất liền khoảng 2.700km tại một điểm trên Thái Bình Dương vào tháng 1 năm 2031. Được biết, đây cũng là nơi hạ cánh của nhiều vệ tinh và trạm không gian khác khi đã hết nhiệm vụ, điển hình là Mir của Nga.
Nhờ có sự giúp đỡ và ủng hộ của chính quyền Biden, ngày hết nhiệm vụ của ISS đã được lùi lại cho tới năm 2030. Trước khi ngừng hoạt động ISS, NASA đã ký thỏa thuận với 3 công ty tư nhân để khởi động các trạm vũ trụ thương mại cho tất cả các công ty này. Các trạm vũ trụ ấy sẽ được khởi động bởi Blue Origin, Nanoracks LLC và Northrop Grumman Systems Corporation. Chúng dự kiến sẽ hoạt động trước khi ISS rơi xuống biển.
Phil McAlister – Giám đốc Không gian Thương mại tại Trụ sở NASA cho biết: “Các đơn vị tư nhân có khả năng về mặt kỹ thuật và tài chính để phát triển, vận hành các điểm đến thương mại trên quỹ đạo tầm thấp với sự hỗ trợ của NASA. Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của mình để giúp họ phát triển các điểm đến an toàn, đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí”.
Từ giờ cho đến ngày hết nhiệm vụ, ISS vẫn còn rất nhiều thí nghiệm cần phải hoàn thành. Robyn Gatens – Giám đốc Trạm Vũ trụ Quốc tế tại Trụ sở NASA cho biết: “Trạm Vũ trụ Quốc tế đang bước vào thập kỷ hoạt động thứ ba. Thập kỷ này là một trong những kết quả của sự hợp tác toàn cầu để phát triển các công nghệ thăm dò, khám phá không gian sâu, đem lại các lợi ích y tế và môi trường”.
NASA cho biết kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng và Sao Hỏa là 2 trong số các nhiệm vụ dài hạn đang tiến hành trên ISS. Cơ quan này cũng dự định sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên mặt trăng trong thập kỷ này, sau năm 2025.
Được biết, ISS đã lộ ra các dấu hiệu bị thời gian tàn phá qua các vết nứt được phát hiện trên phòng thí nghiệm vào năm 2019 và trong mô-đun Zarya vào năm 2021.
Vì là vật thể nhân tạo lớn nhất ở quỹ đạo Trái đất thấp, cú rơi của ISS cũng là điều khá đáng lo ngại dù đã được dự đoán và điều chỉnh. Vào năm 1979, cú rơi không kiểm soát của Trạm Vũ trụ Skylab đã reo rắc các mảnh vỡ của nó lên khắp nước Úc nhưng may mắn không gây ra thương vong. ISS đủ lớn để không bị khí quyển làm cháy hoàn toàn. Các mảng năng lượng mặt trời với hình dạng bất thường của nó có thể khiến Trạm Vũ trụ này lệch hướng, khó kiểm soát khi rơi xuống Trái Đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!