Vũ Bằng từng nói: "Ăn chỉ để no là bình thường, muốn ăn cho đúng thì phải học, khám phá, tìm tòi và sáng tạo". Tôi nghĩ, chụp ảnh cũng như vậy. Nếu chỉ cầm máy lên để nháy ra một vài khung hình “cho xong” thì bình thường quá. Một tấm ảnh đẹp phải là kết tinh của sự chờ đợi, nắn nót, ngắm nghía và là công phu của người tạo ra nó. Nhất là khi chụp ảnh phim, cảm giác chờ đợi, nắn nót ấy còn lâu hơn gấp bội phần. Phim cho người ta cảm giác hoài niệm không chỉ vì nó được chụp bởi một thứ máy cổ lỗ sĩ, mà còn vì nó cho người ta được sống chậm - một cảm thức sống rất “xưa” người ta đã từng có.
Phim có lẽ không thể dùng cho những người vội vàng và cẩu thả. Phim chỉ dùng cho những kẻ thật sự biết “chơi”, biết thưởng thức. Tôi không nghĩ chụp phim là một trào lưu, vì trào lưu thường phổ biến và nổ ra ở một thời điểm nhất định. Còn những người ưa cái “món” này thì nhiều lắm, đủ già trẻ, gái trai. Thời nào cũng có người chơi phim, chụp phim và tìm được cái vui của loại hình nghệ thuật này.
Những cuộn phim được chụp bằng phim dưới nắng. (Ảnh: Thanh Bình)
Chúng tôi đã thức dậy thật sớm trong một ngày trời thu sắp sửa nghiêng mình sang đông. Hà Nội đã hanh hao hơn một chút. Một mùa lạnh chuẩn bị về. Hà Nội mùa nào cũng đẹp đến nao lòng, với tôi là như thế. Nhưng qua từng dòng máy ảnh, từng cuộn phim, từng thông số, từng thời khắc, và từng người, những bức ảnh phim lại kể về Hà Nội theo cách của riêng nó.
“Hà Nội bình yên quá, nơi có những bản tình ca”. (Ảnh: Thanh Bình)
Mỗi cuộn phim có 24 hoặc 36 kiểu, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi chụp liền một mạch. Nếu như dùng điện thoại hoặc các máy ảnh sử dụng thẻ nhớ, tôi có thể nhấn chụp đến vài trăm, thậm chí vài nghìn bức. Phim thì khác, mỗi lần định chụp là chúng tôi phải ngắm cho thật kĩ, chọn số, chọn góc cho thật cẩn thận. Bởi phim không thể dùng bừa, cũng không nên dùng bừa. Chỉ cần nghe thấy tiếng tua phim và âm thanh từ màn trập là tôi biết khoảnh khắc tôi vừa đợi chờ đã được chụp lại, nằm trong âm bản, dẫu thời gian có trôi đi thì nó vẫn nguyên đó.
Chụp phim thì không thể nhìn ảnh qua màn hình, cũng không biết thứ mình vừa chụp có đúng như những gì mình thấy hay không. Người chụp phim lúc nào cũng kiên nhẫn. Từ lắp phim, tua phim, chỉnh tốc độ, khẩu độ, ngắm máy, nhấn chụp, tháo phim, bảo quản và đem ra lab tráng, công đoạn nào cũng phải từ từ, chậm rãi như đang chuẩn bị thưởng thức cái đẹp nhất đời. Có lẽ chẳng ai có thể lý giải nổi cảm xúc của mình khi nhận dương bản phim - những khoảnh khắc mình chụp đã được nổi hình, nổi sắc. Và đôi khi nó còn bị hỏng nữa.
Trong buổi sáng cuối thu hôm ấy, chị Thanh Bình - một người chơi phim đã lâu, kể với tôi rằng: “Chụp phim luôn cho mình cảm giác hồi hộp. Nhớ ngày mới tiếp cận thú vui này, nhìn đâu mình cũng muốn chụp. Còn bây giờ mình tỉ mỉ hơn, chọn lọc hơn, cẩn thận hơn. Đôi khi mình ngắm bằng mắt thấy đẹp nhưng giơ máy lên thì lại thấy không đẹp nữa, và mình lại cất máy đi. Mình thật sự đã phải chắt chiu từng khoảnh khắc.”
Chị Thanh Bình chụp những cô gái xúng xính áo dài trong những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội.
Cuộc sống luôn cho con người tình yêu và nguồn cảm hứng bất tận. Có những khoảnh khắc ta phải chờ mòn mỏi mới đến, nhưng đôi khi ta liên tiếp bắt gặp những thứ khiến ta rung động. Và tôi nghĩ, rung cảm của mình với đời là vậy, chẳng bao giờ có thể đoán được trước. Chị Vũ Ngọc Quỳnh Anh - một người chơi phim 10 năm ở Hà Nội tâm sự: “Có những cuộn phim chụp lâu lắm mới hết, lại có những cuộn chỉ hết trong một tuần, nhưng cũng có ngày đã mình chụp hết bảy đến tám cuộn, và bạn bè mình gọi đó là đốt phim”.
Mùa thu Hà Nội với những xe hoa, thức quà và hàng quán đặc trưng đều đã đi vào khung hình của chị. Và một người yêu Thủ đô bằng một tấm lòng trong sạch như chị cũng không bỏ qua sự kiện trọng đại của mảnh đất này - kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn không chỉ với những người Hà Nội, mà còn với cả những người từng tham gia chiến tranh và những người yêu Hà Nội say đắm. “Mình đã rất cố gắng để được bắt những khoảnh khắc ấy bằng phim, ảnh tuy không hoàn hảo nhưng mình cảm thấy thật mãn nguyện. Chất ảnh vintage khiến mọi cảm xúc, niềm tự hào và lòng biết ơn của mình được lan toả” - chị Quỳnh Anh chia sẻ thêm.
Khoảnh khắc trong “Ngày hội Văn hoá vì hoà bình” đã khiến ống kính của chị Quỳnh Anh xúc động.
Có người bảo rằng, mùa thu là mùa chụp phim đẹp nhất. Bởi trời thu trong, nắng thu dìu dịu, và cũng có nhiều ngày kỉ niệm để chụp. Ngày lễ như một cái “cớ” dành cho những người chơi phim. Nhưng tôi đã có cơ hội trò chuyện với anh Xén - một người chơi phim cũng khá lâu ở Hà Nội, mang đến cho tôi một cái nhìn rất khác. Những người yêu phim thường sẽ chẳng cần dịp gì. Đời sống thường nhật cũng có thể trở thành chất liệu để tạo nên những khung hình màu sắc. Tôi có cảm giác, anh Xén đã ở “ngoài đường” rất nhiều để có thể thân quen với những cô bán trà đá, chú bán cà phê, bác làm con dấu, chú bán phở,... Ngày thu anh ra ngoài nhiều hơn, bởi thời tiết “ủng hộ” và cũng không nắng gắt như mùa hè. Đó là lý do mà mỗi tuần anh đều có rất nhiều ảnh về đời sống và con người Hà Nội.
Những người làm công việc bình thường ở phố cổ, cũng là những người gìn giữ vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội ngàn năm qua góc máy của anh Xén.
Những năm gần đây, giá máy ảnh phim, giá phim và giá tráng đều tăng. Nhiều người đã gác lại thú chơi, thú vui của mình vì vấn đề tài chính. Nhưng không thể phủ nhận cảm giác hồi hộp, hoài cổ, hào hứng hay tiếc nuối khi chụp phim. Những cảm giác rất đặc biệt và tính thẩm mỹ của từng khung hình khi được tráng ra khiến nhiều người mê đắm. Vì vậy, người ta chỉ gác lại thú chơi ấy chứ không bỏ hẳn. Và chúng tôi cũng đã có một buổi sớm nói về phim đầy hứng khởi, song cũng có không ít về những trăn trở với thứ nghệ thuật này. Chúng tôi hiểu rằng, mỗi tấm ảnh phim là độc nhất, không bao giờ có thể tìm thấy lần thứ hai. Hà Nội qua lăng kính của chúng tôi mùa này cũng vậy. Nó bình yên lay động trong gió, đứng lại trong khung hình theo một cách thật “thu”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!