Nhưng nhiều bà mẹ chỉ nghe đến tác dụng của vitamin A là tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng mà sử dụng không theo chỉ định thì có thể dẫn đến có hại cho sức khỏe. Vitamin A là dạng vitamin tan trong mỡ với các chức năng cơ bản trong cơ thể, như: Bảo đảm cho sức khỏe thị giác và có vai trò quan trọng đối với sự biến đổi ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh trong võng mạc; Giúp tế bào thực hiện hoạt động sao chép bình thường, nếu không chúng sẽ trải qua các biến đổi tiền ung thư; Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của phôi thai và thai nhi.
Thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng đến thị lực, ban đầu gây quáng gà, nếu không phát hiện và bổ sung kịp thời có thể gây khô rồi loét giác mạc, nặng hơn là bị thủng giác mạc dẫn đến mù lòa. Nó còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai, làm giảm tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật. Nhưng thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, phù gai thị, bong da toàn thân. Ngộ độc có thể xảy ra khi uống trên 40.000 đơn vị mỗi ngày. Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400mcg và người trưởng thành là 600mcg.
Đối tượng dễ bị thiếu vitamin A thường là trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng, người bị suy tuyến giáp gây giảm hoạt động chuyển hóa beta caroten thành vitamin A, người già mắc tiểu đường type 2. Các dấu hiệu thiếu vitamin A sớm nhất là thị lực ban đêm yếu. Ngoài ra có thể đi kèm khô da, dễ bị nhiễm trùng và bệnh metaplasia (một căn bệnh tiền ung thư).