1. Hạ khô thảo: là loại cây thể hiện đúng theo tên vì vào mùa hạ cây khô lại, chỉ tươi tốt vào mùa xuân, cây sống dai, thân vuông màu hơi tím đỏ, lá mọc đối, hình trứng hay hình mác dài.
Theo Đông y, Hạ khô thảo có vị đắng, tính hàn, thanh hoả minh mục, tán kết tiêu thũng; có tác dụng lợi tiểu mát gan, sát trùng, tiêu độc; có trong các bài thuốc trị đau mắt hay chảy nước mắt, lao hạch, bướu cổ, viêm tử cung và âm hộ, gan mật nhiệt, huyết áp cao.
- Trong bài thuốc chữa tăng huyết áp: Đậu đen 50g, hạ khô thảo 30g, đường trắng 20g. Hạ khô thảo đem sắc lấy nước ninh với đậu đen cho nhừ, chia ăn vài lần trong ngày.
- Để giảm nếp nhăn và vùng thâm quanh mắt, có thể đắp mặt nạ làm từ lá dâu, nước dưa chuột ép và hạ khô thảo: Đổ 3 bát nước vào 30g lá dâu, 10g hạ khô thảo, ngâm khoảng 30 phút rồi sắc lấy 1 bát. Lọc lấy nước để nguội, đổ thêm 10g nước ép dưa chuột. Nhúng mặt nạ vào, đắp lên mặt, 15 phút sau bỏ ra rửa sạch mặt.
2. Cam thảo: là một vị được dùng trong hầu hết bài thuốc Đông y.
Cam thảo có rất nhiều tác dụng như kích thích chức năng bảo vệ của cơ thể giúp ngừa các dạng viêm loét rất hiệu quả, có thể điều chỉnh cân nặng vì nó giúp duy trì mức độ acid trong dạ dày.
Trong cam thảo có chất chống dị ứng nên điều trị các rối loạn về đường hô hấp. Tuy nhiên, lưu ý những người cao huyết áp và bị các bệnh về gan không nên dùng cam thảo
3. Tiên thảo: còn gọi là thạch đen, sương sáo, lá chỉ chế biến được sau khi phơi khô.
Thạch ăn thường được chế biến bằng cách: rửa sạch, nấu nhừ, bắc ra để nguội, vắt bỏ bã, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước, rồi đổ bột gạo vào, vừa đun vừa quấy đều. Khi nào dung dịch đặc quánh, bắc ra đổ vào chậu, để nguội là có thạch ăn.
Thạch đen không chỉ được dùng trong giải khát thông thường mà còn là thảo dược hữu hiệu. Lá có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.