"Tăng động" (ADHD) tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy phát triển rối loạn tâm thần và tự tử

Mai Linh (theo CNN)-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 06:00 GMT+7

Ảnh: Getty Images

VTV.vn - Nghiên cứu mới cho thấy rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) có liên quan đến sự tăng cao tỷ lệ trầm cảm, chán ăn, rối loạn căng thẳng cũng như tự tử.

ADHD là một dạng hành vi hiếu động thái quá, thiếu khả năng tập trung, gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Theo nghiên cứu, những người mắc chứng ADHD có nguy cơ cố gắng tự tử cao hơn 30% và nguy cơ mắc chứng trầm cảm nặng cao hơn 9%. Khi những người mắc ADHD phát triển chứng trầm cảm, họ có nguy cơ cố gắng tự tử cao hơn tới 42%.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Dennis Freuer - nhà thống kê và chủ tịch dịch tễ học tại Đại học Augsburg ở Đức - cho biết: “Tính hiếu động là yếu tố cốt lõi của ADHD và có mối liên hệ chặt chẽ với hành vi tự tử. Chúng tôi nhận thấy rằng, cả ADHD và chứng rối loạn trầm cảm nặng đều là các yếu tố đầy rủi ro dẫn tới sự cố gắng tự tử”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa ADHD và chứng chán ăn tâm thần - chứng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự bóp méo hình ảnh cơ thể, sự sợ hãi mãnh liệt về việc tăng cân. Freuer nhận định: “Sự gia tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần có thể hoàn toàn là do ADHD. Bởi vì hai tình trạng này có chung “sự thiếu hụt về nhận thức thần kinh” xoay quanh việc thiếu kiểm soát xung lực”.

Trong nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học đã tìm kiếm mối liên hệ giữa ADHD và bảy tình trạng sức khỏe tâm thần: chán ăn tâm thần, lo âu, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm nặng, PTSD, tâm thần phân liệt và ít nhất một lần cố gắng tự tử. Nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa ADHD cùng sự phát triển của chứng rối loạn trầm cảm nặng đều góp phần gây ra PTSD và sự cố gắng tự tử. Tuy nhiên, nó không liên quan tới các tình trạng sức khỏe tâm thần mãn tính khác, theo Freuer. Ông nói: “Không có mối liên hệ nào giữa ADHD với rối loạn lưỡng cực, lo âu hoặc tâm thần phân liệt”.

Tiến sĩ James Greenblatt - bác sĩ lâm sàng ADHD, giám đốc y tế tại Walden Behavioral Care - cho biết, di truyền là một yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh, tuy nhiên môi trường lại đóng một vai trò rất lớn trong việc liệu những gen đó có biểu hiện ra hay không. Ông nói: “Đối với tôi, kết quả của nghiên cứu là sự củng cố nhu cầu chẩn đoán và điều trị toàn diện ADHD ở trẻ em và người lớn”.

Freuer cũng cho biết thêm, vì ADHD thường được chẩn đoán ở thời thơ ấu nên kết quả của nghiên cứu có thể giúp các bác sĩ sàng lọc sớm các dấu hiệu trầm cảm, ý định tự tử hoặc chán ăn. Ông nói: “Từ quan điểm cá nhân và gia đình, tôi cho rằng không nên coi nhẹ bất kỳ triệu chứng nào và cần phải tìm kiếm sự trợ giúp tới từ người có chuyên môn kịp thời”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước