Năm nay, Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết giết sâu bọ) rơi vào ngày 3/6 theo lịch Dương. Theo quan niệm, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h và vì thế, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí.
Ở Việt Nam, với mỗi vùng, miền tại Việt Nam, mâm cúng của người Vậy sẽ khác nhau. Đối với những người ở miền Bắc, vào ngày lễ này, một mâm cúng sẽ có một món không thể thiếu là cơm rượu nếp (hay còn gọi là cái rượu). Ngoài cơm rượu nếp sẽ có mâm ngũ quả, đây thường là loại trái cây đặc trưng cho mùa này tại miền Bắc - mận, vải...
Đối với người miền Trung, mâm cúng cũng sẽ có rượu nếp, hoa quả đặc trưng của mùa nhưng trong mâm cúng của người miền Trung ngày Tết Đoan Ngọ còn có thêm thịt vịt.
Và với người ở miền Nam, mâm cúng Tết Đoan Ngọ sẽ không thể thiếu các món như bánh ú bá trạng, chè trôi nước và xôi gấc. Ngoài ra, mâm cúng của người miền Nam cũng sẽ có cơm rượu nếp và hoa quả.
Một số món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ:
1. Cơm rượu nếp: Đây là món không thể thiếu đối với bất cứ gia đình nào trong ngày Tết Đoan ngọ. Sáng mùng 5/5 âm lịch, tất cả mọi người đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Cơm rượu nếp ở mỗi vùng cũng có sự khác nhau. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
2. Bánh khúc: Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) không thể thiếu món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen.
3. Chè trôi nước: Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
Bánh tro: Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương.
4. Hoa quả: Các loại hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này, Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
5. Chè kê: Món chè này cũng rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
6. Thịt vịt: Món ăn này không thể thiếu trong ngày Tết giết sâu bọ của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm vịt sẽ béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!