Để tận dụng tiềm năng đó, nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái đang được nhân rộng. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp
Trong thời gian qua, anh Phạm Văn Sỹ, ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình - Thái Nguyên) đã phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả như mít, xoài, hồng xiêm và chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng. Mô hình nông nghiệp này phát triển theo hướng tích hợp đa sản phẩm, gia tăng giá trị, nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, giảm chất thải và phát triển bền vững. Khu sinh thái nằm trong một thung lũng phủ đầy sắc hoa, cây trái được xây dựng trên 2ha đất. Không khí ở đây mát mẻ, trong lành với không gian thoáng đãng, nhiều hạng mục được xây dựng như phòng nghỉ, phòng ăn, không gian hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ; khu thể thao, bể bơi, ao cá.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Văn Bắc cho biết "Việc phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch sinh thái cộng đồng có nhiều triển vọng, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, tạo ra vòng tròn khép kín, chăn nuôi, trồng trọt phục vụ khách du lịch. Mô hình này giúp cho doanh nghiệp, người dân có nhiều nguồn thu khác nhau, góp phần tăng nguồn thu nhập tạo nên giá trị bền vững".
Võ Nhai cũng là địa phương có nhiều địa điểm phát triển du lịch gắn với trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả, toàn huyện hiện có khoảng 2 nghìn héc-ta cây ăn quả các loại trong đó diện tích trồng cây na khoảng 1 nghìn héc-ta . Đây là loại cây đặc sản nổi tiếng của huyện phần lớn được trồng ở vùng chân núi đá rất phù hợp để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Xã Phú Thượng phát triển mạnh nhất việc trồng cây nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm và cũng là địa phương có diện tích trồng na lớn nhất của huyện.
Chị Phạm Thị Tùy, chủ vườn na ở Phú Thượng – Võ Nhai chia sẻ "Khi mùa na vào vụ, nhà vườn chúng tôi đều đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, du khách tự tay thu hoạch quả na và mua sản phẩm về làm quà".
Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà cũng đã thu hút trên 4 nghìn lượt khách đến trải nghiệm văn hóa người dân tộc Tày và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đạt doanh thu trên 600 triệu đồng. Ngoài việc tổ chức điểm bán nông sản, thì du lịch cồng đồng xóm cũng mở tour tham quan vườn na, ổi, nhãn để khách du lịch trải nghiệm..
Huyện Đại Từ được biết đến là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch khi thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây những nét cảnh quan độc đáo với những dãy núi cao hùng vĩ. Đây cũng là vùng chè nổi tiếng trải dài bên sườn Đông Tam Đảo. Phát huy lợi thế đó, thời gian gần đây, một số người dân ở Đại Từ đã mạnh dạn phát triển loại hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng. Hướng đi mới này được kỳ vọng sẽ gia tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn bản sắc địa phương…
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, huyện Đại Từ cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại, tham quan. Huyện cũng huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó có cơ chế khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển vào các loại hình dịch vụ du lịch tại một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Như vậy việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch sinh thái cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, nâng cao thu nhập từ du lịch và cũng đã phát huy giá trị , văn hóa truyền thống, xây dựng thương hiệu đặc sản du lịch ở các địa phương, gắn liền với bảo vệ phát triển môi trường bền vững, nâng cao đời sống của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!