Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê

Nguyễn Xuyến-Thứ hai, ngày 01/04/2024 13:45 GMT+7

VTV.vn - Nằm trong tứ quý danh hương Mỗ La Canh Cót, the lụa La Khê vang danh một thời nay đang dần chìm vào quên lãng.

La Khê là một làng nghề cổ thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ 5, lúc đầu có tên là La Ninh. “La” là lụa, “Ninh” là sự thịnh vượng, lâu bền. 

Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi thành La Khê, tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ bởi đất làng do phù sa sông Hồng, sông Ðáy, sông Nhuệ bồi đắp nên. Vì vậy rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Người dân La Khê cũng bắt đầu sản xuất những sản phẩm thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi phục vụ chốn Kinh kỳ Thăng Long xưa.

Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê - Ảnh 1.

Với chất vải mong manh, mềm mát, không rạn, không nhăn, lụa bạch, lụa vân hay sa màu ở La Khê mang những nét đặc trưng không thể lẫn.

Ðến đầu thế kỷ 17, nhiều gia đình người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Từ đây, làng dệt La Khê nức tiếng xa gần bởi các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc có chất liệu mát, mỏng nhẹ cùng những họa tiết, hoa văn tinh xảo. 

Sau năm 1954, do ảnh hưởng của chiến tranh, nghề dệt the lụa cũng bị gián đoạn. Sau đó, mô hình Hợp tác xã ra đời. Cả làng quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay theo kinh tế tập trung, phục vụ sinh hoạt trong thời chiến tranh. 

Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê - Ảnh 2.

Lụa La Khê từng được được mệnh danh là “Tứ quý danh hương” và được dân gian vẫn lưu truyền trong câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”…

Cho đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp La Khê và những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức tìm lại sức sống cho nghề the lụa.

Tuy nhiên, việc khôi phục gặp muôn vàn khó khăn bởi không còn mấy người biết cách dệt the, khung dệt cũng không còn nhiều. Đặc biệt, sự công phu, tỉ mỉ của nghề dệt the cũng khiến nhiều người cơ sở sản xuất phải đóng cửa. 

Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê - Ảnh 3.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản đang cố gắng từng ngày cặm cụi bên khung dệt, bám trụ lại với nghề để cho ra đời những sản phẩm thủ công cao cấp.

Ngày nay đến làng La Khê, cất công đi tìm, lắng tai nghe mới thấy tiếng dệt cửi từ xưởng dệt của nghệ nhân Lê Đăng Toản. Đây có lẽ cũng là xưởng dệt duy nhất còn sót lại ở La Khê. 

“Nghề dệt the rất công phu, đòi hỏi người thợ dệt phải tỉ mỉ và kiên trì. Trong đó vẽ hoa để dệt được coi là công đoạn khó nhất của nghề bởi người vẽ phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối, lúc dệt nên tấm the không bị xô, dạt. Vì vậy mỗi mẫu phải mất vài tháng đến cả nửa năm mới xong”, anh Toản nói.

Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê - Ảnh 4.

Từng công đoạn được người thợ làm vô cùng tỉ mỉ.

Theo anh Toản, lụa La Khê mang những nét riêng vốn có. Trong đó, bộ go võng tạo nên công nghệ dệt có sợi dọc, mỗi hàng ngang lại được đan vặn xoắn giúp lụa thoáng mát nhưng rất chặt mặt, không bị xô rạn. 

“Việc hồi sinh làng nghề cũng như đưa sản phẩm đến với mọi người gặp muôn vàn khó khăn. Không chỉ về vốn và thị trường tiêu thụ mà còn thiếu cả người làm nghề. Sản phẩm the lụa lại là mặt hàng kén người sử dụng, không thể cạnh tranh với các sản phẩm từ sợi tổng hợp may công nghiệp bởi giá thành nguyên liệu cao, lại dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công”, anh Toản chia sẻ.

Thăng trầm nghề dệt the lụa La Khê - Ảnh 5.

The lụa La Khê từng được chọn làm may trang phục cho tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa.

Sự mai một của làng nghề dệt the lụa La Khê không chỉ làm mất đi một nghề gắn liền với kế sinh nhai của người dân mà quan trọng hơn đó là mất đi một nghề truyền thống lâu đời, đã vượt qua giới hạn của một làng, trở thành văn hóa của cả một vùng. 

Chính bởi vậy, để nghề dệt the lụa La Khê còn được lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau sẽ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và hơn cả là những người nghệ nhân yêu và bám trụ với nghề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước