Nghiên cứu trên tiếp tục nhấn mạnh vai trò của dưỡng chất đặc biệt có tên gọi HMO đối với sức khỏe trẻ sơ sinh. HMO là dạng phân tử đường có cấu trúc phức tạp chỉ có trong sữa mẹ mà không được tìm thấy trong sữa công thức. Đây là thành phần vững chắc thứ ba trong sữa mẹ, sau loại đường lactose và chất béo. Dù phân tử này thực sự không dễ tiêu hóa nhưng có khả năng giúp định hướng phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ sơ sinh.
Nhóm nghiên cứu thuộc các trường Đại học California và Trường Y San Diego tại Canada đã phân tích mẫu sữa và dữ liệu từ 421 trẻ sơ sinh và bà mẹ khoảng 3-4 tháng sau sinh. Sau đó, khi lên 1 tuổi, những trẻ này được thử nghiệm tiêm các chất gây dị ứng thông thường, trong đó có một số thực phẩm nhất định, để kiểm tra mức độ phản ứng.
Các nhà khoa học phát hiện 59 trong số 421 trẻ sơ sinh (chiếm 14%) có biểu hiện dị ứng khi lên 1 tuổi. Nghiên cứu cho rằng thành phần HMO có liên quan đến tỷ lệ trẻ 1 tuổi bị dị ứng thực phẩm thấp hơn.
Theo nghiên cứu trên, không có HMO cụ thể nào liên quan đến chứng dị ứng thực phẩm, nhưng nhìn chung HMO dường như đóng vai trò đáng kể. Thành phần HMO trong sữa mẹ có thể thay đổi và được quy định bởi các yếu tố như thời điểm tiết sữa, tuổi thai, sức khỏe của người mẹ, vị trí địa lý.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ được bú sữa mẹ có nguy cơ thấp mắc các bệnh như nhiễm trùng, hen suyễn, béo phì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!