Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, chuyên khoa Thần kinh Bệnh viện ĐKQT Vinmec Timescity cho biết, cơ thể mỗi người đều có nhịp đồng hồ sinh học. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình chuyển hóa và các hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể. Vì thế, nếu thức đêm và ngủ bù vào ban ngày sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.
Dưới đây là một số ảnh hưởng sức khỏe do việc thức đêm ngủ ngày gây nên:
- Vào ban đêm, khi không có ánh sáng mặt trời, não bộ tiết ra hoóc-môn melatonin - chất này giúp cho giấc ngủ sâu, đủ giấc. Ban ngày dưới ánh sáng mặt trời, chất này trong máu sẽ giảm giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Vì thế, nếu ngủ bù ban ngày sẽ khó sâu giấc như ban đêm.
- Việc thức đêm và ngủ ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa cholesterol, đường máu, axit uric... Một số hoóc-môn sinh dục nữ, hoóc-môn sinh dục nam cũng sẽ thay đổi nồng độ.
- Một số cơ quan bị ảnh hưởng. Ví dụ hệ tiêu hóa: Ngủ ngày, bạn sẽ bỏ bữa ăn, ảnh hưởng đến tiết dịch vị.
Giấc ngủ ban ngày không được sâu như ban đêm.
- Giấc ngủ ban ngày không được sâu như ban đêm, não không được nghỉ ngơi một cách đầy đủ. Lượng oxy trong não tiêu thụ trong giấc ngủ ngày nhiều hơn ban đêm khiến bạn khi ngủ dậy dễ bị đau đầu, chóng mặt, stress.... Các cơ trong cơ thể không được thư giãn hoàn toàn, dễ gây mệt mỏi .
- Nếu kéo dài tình trạng thức đêm ngủ bù ngày thì sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn: nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ, ung thư vú, tiền liệt tuyến, trí nhớ suy giảm, mệt mỏi thường xuyên, giảm sức đề kháng...
- Giấc ngủ đêm cũng giúp tái tạo lại tế bào da.
Vì thế, bạn cần có giấc ngủ đủ, đúng với đồng hồ sinh học để có sức khỏe tốt, đạt hiệu quả cao hơn trong học tập và công việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!