Cũng như nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL, tỉnh Tiền Giang vốn nổi tiếng về loại hình du lịch sinh thái miệt vườn với rất nhiều dịch vụ đặc sắc đi kèm. Tại đây, nài ngựa đang được xem là nghề "thời thượng".
Người dân trong vùng không ai không biết đến anh Đặng Văn Lộc, một nông dân đã dám bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư hơn 10 cỗ xe ngựa phục vụ du khách. Công việc tổ chức nuôi ngựa kéo xe không chỉ giúp kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển, từ đây rất nhiều nông dân không có ruộng đất đã có việc làm ổn định nhờ hợp tác với anh Lộc.
Đối tượng được chọn kéo xe du lịch là ngựa cỏ. Giống ngựa này không to con như loại ngựa đua nhưng lại có nhiều lợi thế như: ít bệnh, dẻo dai, dễ thuần phục và rất lành tính. Được biết, ngoài công đoạn cắt cỏ, để huấn luyện một con ngựa kéo xe giỏi, người nài ngựa cần có nhiều tố chất, đổi lại là mức lương thỏa đáng.
Việc huấn luyện thành công những chú ngựa du lịch không thực sự thảnh thơi như nhiều người vẫn nghĩ. Theo kinh nghiệm của các nài ngựa, việc chọn ngựa để làm du lịch rất khó. Con ngựa phải ngoan hiền và có hình dáng đẹp. Khi mua ngựa về người nuôi phải huấn luyện rất tốn công, phải chăm sóc, vuốt ve, phòng bệnh cho ngựa chu đáo. Đặc biệt, người điều khiển xe ngựa phải biết xử lý tình huống để làm vui lòng du khách.
Lái xe ngựa tưởng là nghề nặng nhọc của đàn ông. Tuy nhiên, ở miền Tây sông nước, nhiều chị em phụ nữ vẫn lựa chọn nghề nài ngựa chở khách du lịch để mưu sinh. Công việc không mấy dễ dàng nhưng chị em cáng đáng chẳng thua kém cánh mày râu. Từ những chuyến xe như thế này, du khách sẽ được đưa vào vườn cây hái quả hoặc đến các khu sinh thái trải nghiệm văn hóa miệt vườn và nghe đờn ca tài tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!