Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, năm 2019 số lượng vaccine phòng cúm được sử dụng tại Việt Nam là khoảng 1 triệu liều, số lượng ngày càng tăng qua các năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp, nguyên nhân do bộ phận lớn người dân còn dè dặt với tâm lý bệnh cúm không phải là bệnh nguy hiểm cũng như quan niệm sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
ThS.BS Vũ Thị Kim Xuyên, Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, cho biết: "Biến chứng của bệnh cúm rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ có thể dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản, đặc biệt 1 số trẻ có thể bị mắc bệnh não và nặng hơn là dẫn tới tử vong".
Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.
ThS.BS Vũ Thị Kim Xuyên cho biết thêm: "Qua nghiên cứu, ở Việt Nam, các chủng cúm hay gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và chủng cúm B. Đặc biệt, các chủng cúm này gây nên rất nhiều dịch. Các chủng cúm A và B hay gây biến chứng còn biến đổi liên tục hàng năm".
Chính vì thế, việc tiêm vaccine phòng cúm cũng phải được nhắc lại hàng năm và đây hiện là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp làm giảm tới 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khoẻ mạnh. Việc tiêm vaccine cúm hàng năm không chỉ giúp phòng ngừa cho người được tiêm mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm thành dịch trong cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!