Việc tìm thấy dấu tích liên quan đến động vật cổ đại tại các công viên quốc gia không phải điều gì quá lạ lẫm, thế nhưng một phát hiện mới đây tại Công viên Quốc gia Grand Canyon (Mỹ) thì đặc biệt hơn vậy rất nhiều. Mang niên đại hơn 300 triệu năm, phiến đá in dấu chân mới được khám phá này cho là hóa thạch có tuổi đời lớn bậc nhất của các sinh vật đẻ trứng trên Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nevada, Las Vegas đã công bố nghiên cứu về hóa thạch đắt giá này trong một bài báo cáo ra mắt vào tháng trước. Phiến đá được tìm thấy gần một cung đường leo núi của dãy Grand Canyon hùng vĩ, với tuổi thọ có thể lên đến 313 triệu năm.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đây rất có khả năng là một trong những dấu tích xa xưa nhất của động vật đẻ trứng cổ đại. Nếu điều này là hoàn toàn chính xác, đây sẽ là bằng chứng cực kỳ quan trọng, cho thấy sự điểm chuyển giao trong quá trình tiến hóa, khi động vật bắt đầu đi lại trên bờ cát và đẻ trứng ngoài môi trường nước.
(Ảnh: Jordan Acuff-Patton)
Lý do mà các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng đây là dấu tích của động vật đẻ trứng để lại là vì hình dạng móng vuốt trên phiến đá rất giống với đặc điểm của các loài bò sát hiện đại. Những dấu vết tương tự cũng đã được tìm thấy trên các dạng địa hình khác trên hành tinh.
Ông Mark Nebel, quản lý chương trình cổ sinh vật học tại khu vực Grand Canyon, chia sẻ rằng nhận định này nhiều khả năng sẽ gây ra tranh cãi, bởi luôn có sự bất đồng trong giới khoa học về cách diễn giải các dấu tích của sinh vật cổ đại. Trong khi đó, giáo sư địa chất Steve Rowland lại tán thành và ủng hộ kết luận trên.
Hiện tại, phiến đá vẫn đang được đặt tại gần đường leo núi Bright Angel. Thế nhưng các nhà khoa học đang tìm cách vận chuyển nó đến một cơ sở lưu trữ hoặc bảo tàng để có thể nghiên cứu thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!