Khánh Nguyễn. Ảnh: Hải Hưng-Chủ nhật, ngày 01/12/2024 17:00 GMT+7
Có lẽ, nhắc tới Lạng Sơn, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến món vịt quay. Và đây chính là món ăn được người dân nơi đây đặc biệt yêu thích. Và nhiều người nói rằng, nếu tới Lạng Sơn mà chưa thưởng thức món vịt quay hay các món ăn làm từ vịt thì tức là chưa tới xứ Lạng.
Thực khách thưởng thức món ăn ở Lạng Sơn
Vịt quay
Khi đến Lạng Sơn, du khách đều dễ dàng bắt gặp những tiệm bán vịt quay. Để làm món vịt quay, chủ quán lâu năm thường dùng khoảng 20 loại gia vị, trong đó không thể thiếu: quả mắc mật, đinh hương, thảo quả, hoa hồi, đậu tương lên men.
Sau đó, vịt được bơm hơi giúp cho phần da tách rời phần thịt và tạo độ giòn. Để có màu cánh gián đẹp mắt, vịt được quết một lớp mật ong rừng pha với nước. Tiếp đến, vịt được cho vào lò để hong khô khoảng 1 tiếng đồng hồ, công đoạn này giúp vịt ngấm đều gia vị, vịt càng khô thì khi chín da càng căng bóng và giòn.
Nếu muốn vịt quay ngon nhất, chủ quán thường chọn loại vịt có trọng lượng từ 3 - 3,5 kg. Khi làm sạch và quay, thành phẩm còn khoảng 2,5 kg. Khi vịt được bày lên đĩa, mùi thơm đặc trưng lan toả, nhiều người nói vui rằng nhìn đã thấy ngon, và khi thưởng thức thì nhớ mãi không quên.
Phở vịt quay
Phở vịt quay ở Lạng Sơn có nước dùng béo, thơm mùi lá mắc mật. Khi ăn, thực khách thường dùng kèm với măng ngâm giấm ớt và rau sống. Nước dùng đậm đà hài hòa cùng vị ngọt của thịt, giòn của da, chua chua của măng và mềm mại của bánh phở.
Ngoài việc phải có loạt vịt quay thơm ngon, chủ quán còn sử dụng bánh phở được làm từ gạo Lộc Bình - loại gạo nổi tiếng của Lạng Sơn. Bánh phở được thái tay bản to, mang đến độ hấp dẫn cho bát phở vịt đặc trưng xứ Lạng.
Phở chua
Phở chua là đặc sản của Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh vùng cao nói chung. Phở chua Lạng Sơn có đủ 4 vị chua, cay, mặn, ngọt với 2 phần chính là phần khô và phần nước. Trong đó, phần khô trước hết phải kể đến bánh phở vừa dẻo vừa dai, tiếp đó là món khoai lang chiên thái chỉ, xá xíu, gan lợn thái mỏng rán cháy cạnh, hành khô, lạc rang, các loại rau thơm.
Điểm nhấn của đặc sản này nằm ở phần nước trộn phở chua ngọt. Thứ nước sốt có màu nâu óng sền sệt được làm từ nước luộc vịt cùng nhiều loại gia vị như hành, tỏi, ớt, giấm, đường, gừng... sau đó chế bột năng để nước sánh lại. Dùng kèm phở là một bát nước được chắt ra từ bụng con vịt quay hoặc nước luộc vịt, mang vị ngậy của mỡ và mùi thơm của gia vị ướp.
Bánh Áp Chao
Điểm khác biệt của loại bánh này ở Lạng Sơn là được làm bằng nhân thịt vịt thay vì nhân thịt lợn như thông thường. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo nếp, gạo tẻ đem ngâm rồi xay ra, trộn một chút đỗ tương, khoai môn nạo.
Khoai môn nạo là nguyên liệu không thể thiếu của bánh áp chao, vừa tạo độ thơm vừa tạo độ mềm dẻo cho bánh. Nhân được lấy từ phần ức của vịt, ướp với gia vị, húng lìu, muối tiêu… sau đó cho vào chảo chiên ngập dầu, thưởng thức cùng nước chấm chua ngọt và rau sống. Có thể hiểu nôm na, bánh Áp Chao là bánh chiên bột có nhân làm từ thịt vịt.
Bánh Coóng Phù, bánh Phoóng Dăm
Giống như Áp Chao, Coóng Phù và Phoóng Dăm là các món bánh dành cho thực khách ăn bữa xế. Thưởng thức các món bánh này thích hợp nhất là vào cuối thu và đầu đông.
Theo cảm quan ban đầu, bánh Coóng Phù có nhiều điểm tương đồng với bánh trôi của một số vùng miền và cách làm thì cũng tương tự bánh trôi. Nhưng khác với bánh trôi, nhân bánh coóng phù được làm bằng đỗ xanh nấu chín giã nhuyễn trộn đường kính thay vì dùng nhân là đường viên. Ngoài màu trắng, bánh còn có màu vàng. Nguyên liệu tạo màu làm từ gấc.
Cũng có hình tròn tựa như Coóng Phù và được làm từ bột gạo nếp nhưng Phoóng Dăm lại là món ăn mặn và công đoạn chế biến có phần cầu kỳ hơn. Nguyên liệu để làm Phoóng Dăm gồm có: bột gạo nếp, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương… Bánh được chan với nước dùng ninh xương và thêm miếng xương sườn ninh mềm.
Bánh Coóng Phù, bánh Phoóng Dăm là 2 món bánh mang đặc trưng của người Tày ở Lạng Sơn.
Bún chả
Du khách có thể thưởng thức bún chả ở nhiều vùng miền, hay tại Thủ đô Hà Nội, nhưng bùn chả ở Lạng Sơn cũng để lại dư vị khó quên. Bí quyết của món bún chả ngon được chủ quán tiết lộ rằng, thịt phải tươi ngon, tẩm ướp với gia vị đặc trưng, sau đó là kỹ thuật nướng để miếng thịt được vàng ruộm bên ngoài, mềm ngọt bên trong, không bị dai hay cháy xém quá nhiều.
Công thức pha nước chấm khá đặc trưng, thanh và ngọt nhẹ tạo cảm giác ngon đến giọt cuối cùng di không chỉ sử dụng nước mắm truyền thống mà kết hợp giữa vị chua của giấm, ngọt dịu của đường, mặn mà của muối và chút cay nồng của ớt tươi.
Bún dùng kèm được lựa chọn từ loại bún tươi, sợi nhỏ mịn, mềm dai vừa phải, ăn cùng đĩa rau sống xanh mướt gồm xà lách, húng quế và mùi tàu. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa cả về hương lẫn vị cho thực khách một trải nghiệm đáng nhớ.
Lợn quay
Giống như món vịt quay, cảm quan đầu tiên của du khách là lớp da vàng ruộm óng ả mà nhìn thôi đã thấy giòn. Để có món lợn quay thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn lợn, lợn phải chọn những con có lông mượt, dày và dài, có trọng lượng từ 45 - 50 kg. Thường lợn được dùng để quay sẽ được chọn rất kỹ ở các huyện như: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn…
Tiếp đến công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu để cho vào bên trong bụng của lợn trước quay gồm: lá mắc mật tươi, quả mắc mật, muối, đường,… Cho gia vị vào bụng lợn, sau đó sẽ được khâu lại bằng chỉ, để lúc quay nước và gia vị không bị rơi ra ngoài.
Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con. Để da có màu đẹp người quay thường phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián. Sau khi chuẩn bị xong, lợn được quay trên than hồng. Thời gian quay từ 2 - 3 tiếng, tùy vào độ nóng của lửa và trọng lượng của lợn. Và các mẻ lợn quay thơm phức ra lò khiến ai nấy đi qua cũng đều bị cuốn hút "ngon mắt, thơm nức và ngon miệng".
Đồ nướng
Trong tiết trời se lạnh vào buổi tối, nhiều du khách sẽ chọn ngay cho mình một quán đồ nướng để ăn no căng rốn. Ngoài các món nướng thông thường, ở Lạng Sơn, món nọng heo, bì heo nướng cháy cạnh, thơm phức trên bếp than hồng khiến thực khách khó lòng cưỡng lại.
Ngoài những món ăn hấp dẫn kể trên, du khách có thể lựa chọn lẩu cháo, xôi ngũ sắc, bánh cuốn trứng, bánh cao sằng, bánh mỳ nướng, chè, ốc xào lá măng, chân vịt chiên… để thay đổi khẩu vị cho 2 đến 3 ngày lang thang ở xứ Lạng.
Không những thế, nhiều quán café có gu với không gian riêng có cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi và chụp ảnh check-in trong chuyến hành trình đến với vùng biên cách Hà Nội chỉ hơn 2 giờ đi xe này.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 2/12/2024, Trung tâm sẽ chính thức công bố sản phẩm food tour Lạng Sơn.
Sản phẩm này được xây dựng với mục tiêu giới thiệu đến du khách những tinh hoa ẩm thực đặc trưng của Lạng Sơn, từ các món ăn truyền thống đến các sản vật địa phương. Food tour còn kết hợp tham quan các điểm đến di tích lịch sử, tạo nên một hành trình trải nghiệm trọn vẹn giữa thiên nhiên, văn hóa và con người vùng đất biên giới.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, và cộng đồng địa phương để đảm bảo chất lượng dịch vụ và xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch. Với sự ra đời của sản phẩm này, Lạng Sơn kỳ vọng sẽ nâng cao sức hấp dẫn của du lịch tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch ẩm thực Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!