Tình trạng lao đa kháng thuốc tăng

Nguyệt Ánh-Thứ ba, ngày 29/03/2011 17:05 GMT+7

Lao không phải bệnh di truyền, có thể chữa khỏi nhưng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và tỷ lệ tử vong cao. Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới.

Đáng lo ngại hơn là ngày càng tăng số bệnh nhân lao kháng thuốc - một thể bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân là do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Chữa bệnh lao tỷ lệ khỏi bệnh là 90% nhưng với lao kháng thuốc thì chẩn đoán, điều trị vô cùng khó khăn, kéo dài với chi phí cao gấp 100 lần mà nguy cơ tử vong khá cao.

Hầu hết các trường hợp lao kháng thuốc đều do không tuân thủ đúng theo quy tắc điều trị như vậy, dùng kháng sinh vài ba tháng, thấy khỏe hơn đã ngừng uống thuốc, trong khi liều bắt buộc phải uống đủ 8 tháng. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức là kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Nếu người mắc lao thông thường không được điều trị thì 50% trong số đó sẽ bị tử vong sau 5 năm. Với lao kháng đa thuốc, sự nguy hiểm còn cao hơn nhiều. Sử dụng thuốc mới tác dụng mạnh hơn để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị lại kéo dài.

Điều đáng nói là khả năng tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu còn rất hạn chế vì là thuốc mới, chi phí quá cao. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội - một trong 5 cơ sở trên cả nước đảm nhận việc phát hiện, quản lý, điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, hiện cơ số thuốc được tài trợ có 8 suất, còn rất nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc khác vẫn phải chờ vì chưa có thuốc. Ngay cơ sở hạ tầng ở đây cũng còn chưa đủ vì bệnh nhân lao kháng thuốc phải bố trí khu cách ly đặc biệt. Với 7 phòng, chỉ có thể bố trí tối đa 2 bệnh nhân mỗi phòng mà phải là 2 trường hợp kháng cùng loại thuốc, còn nếu khác nhau lại phải bố trí riêng để tránh lây nhiễm chéo.

TS. Bác sĩ Lưu Thị Liên - GĐ bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội cho biết: “Vốn dĩ lao kháng thuốc đã khó chữa, với những bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được phát hiện hoặc chưa được điều trị càng đáng lo hơn cho sức khỏe của họ và cho cả cộng đồng”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước