Tổ chức concert giữa mùa dịch để nghiên cứu lây nhiễm COVID-19

Mai Linh (theo Lonely Planet)-Chủ nhật, ngày 02/08/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dự án của các nhà khoa học Đức này trị giá đến 1,1 triệu USD.

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Martin Luther, Halle-Wittenberg (Đức) mới đây đã công bố một dự án đầy bất ngờ, đó là tổ chức một chuỗi các buổi mô phỏng concert để nghiên cứu sự lây lan của COVID-19, góp phần tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của đại dịch. Chi phí dành cho nghiên cứu này lên đến 1,1 triệu USD (hơn 25 tỷ VNĐ).

Tổ chức concert giữa mùa dịch để nghiên cứu lây nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Ca sĩ nhạc soul-pop Tim Bendzko sẽ biểu diễn tại chuỗi concert (Ảnh: Georg Wendt)

Dự án nghe có vẻ “phi thực tế” này có tên Restart-19, sẽ bắt đầu từ ngày 22/8 tới. Các buổi biểu diễn sẽ có sự góp mặt của ca sĩ dòng nhạc soul-pop, Tim Bendzko, và dự kiến quy tụ đến 4.000 khán giả. Sân vận động Quarterback Immobilien ở Leipzig đã được chọn làm địa điểm thử nghiệm nghiên cứu độc nhất vô nhị này.

Người tham gia sẽ nhận và mang một thiết bị theo dõi trên dây đeo cổ. Các thiết bị sẽ truyền tín hiệu sau mỗi 5 giây để ghi chép dữ liệu về khoảng cách giữa người đeo và khán giả xung quanh. Mỗi người tham dự đều được trang bị mặt nạ với ống thở, đồng thời phải phải rửa sạch tay với dung dịch khử trùng có huỳnh quang tại cổng ra vào để các nhà nghiên cứu sau đó kiểm tra toàn bộ địa điểm bằng đèn UV. Bằng cách này, các nhà khoa học hy vọng sẽ xác định được những khu vực có khả năng nhiễm khuẩn và lây truyền virus nhất.

Tổ chức concert giữa mùa dịch để nghiên cứu lây nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

4000 người tham gia concert sẽ mang thiết bị theo dõi trên người (Ảnh: University Medical Center Halle)

4000 tình nguyện viên sẽ được kiểm tra COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi concert bắt đầu và phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính để vào cửa. Tuy nhiên, các “khán giả” sẽ không được phép tự do vui chơi tùy thích tại sự kiện. Thay vào đó, họ sẽ phải hành động theo các kịch bản khác nhau, tương ứng với nhiều tình huống và mức độ tiếp xúc đa dạng để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Trường hợp đầu tiên, toàn bộ người tham gia sẽ vào cổng như bình thường, giống như cách mà đám đông hành xử tại các buổi hòa nhạc trước khi xuất hiện COVID-19. Trong kịch bản thứ hai, người tham dự sẽ được chia ra thành các nhóm nhỏ, tiến vào qua 8 cửa riêng biệt và cách nhau một ghế ngồi. Tình huống cuối cùng, chỉ có 2000 người được vào hội trường và mọi người phải giữ khoảng cách 1,5m.

Nhóm các nhà khoa học này đang đặt kỳ vọng tìm ra những phát hiện mới xung quanh cách phòng tránh COVID-19 sớm nhất là vào đầu tháng 10, qua đó hỗ trợ cho các sự kiện văn hóa và thể thao sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Thông tin chi tiết về chuỗi concert kỳ lạ này đã được đăng tải trên trang web của dự án Restart-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước