Sáng ngày 15/1/2023, tại Hồ Văn (Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám) đã diễn ra lễ khai mạc Hội chữ xuân 2023 và Triển lãm thư pháp với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ.
Buổi lễ khai mạc có sự góp mặt của các vị đại biểu: bà Trần Thị Vân Anh (Phó Giám Đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội), ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám), đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ, đại diện các phòng ban Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, lãnh đạo các cơ quan bảo tàng và di tích tại Hà Nội, đại diện Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia và đại diện Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Vân Anh (Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cho biết: “Hội chữ Xuân 2023 tiếp tục khẳng định vị thế vốn có của mình với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giúp công chúng khám phá thêm những nét truyền thống văn hoá của dân tộc, hướng tới mục tiêu tôn vinh truyền thống văn hoá hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội có vị trí và trách nhiệm lớn lao trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc, khẳng định mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”.
Trong khuôn khổ “Hội chữ xuân 2023” còn diễn ra trưng bày triển lãm thư pháp với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, với mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay. Bên cạnh đó, triển lãm cũng gửi tới các bạn trẻ thông điệp biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm thư pháp “Sư đạo tôn nghiêm”
Một số hình ảnh khác tại sự kiện:
Nhiều bạn nhỏ được bố mẹ dẫn đến Hội chữ xuân 2023 để tìm hiểu và trải nghiệm nét đẹp xin chữ đầu năm
Tiết mục trình diễn thư pháp trực tiếp tại lễ khai mạc “Hội chữ xuân 2023”.
“Ông đồ Tây” Jean Sébastien đến từ Pháp lần đầu tham gia Hội chữ xuân.
BTC chương trình trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm thư pháp “Sư đạo tôn nghiêm”.
Tác phẩm “Sư đạo tôn nghiêm” của tác giả Trịnh Thị Bảy
Tục ngữ Việt Nam “Tôn sư trọng đạo”: Một chữ là thầy. Nửa chữ cũng là thầy
Bài thơ “Vịnh Chu Văn An” do vua Tự Đức sáng tác, được tác giả Bùi Chính Hưng thể hiện lại bằng chữ thư pháp Quốc ngữ.
Trích “Văn bia Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng 3 (1580): “Lớn nghĩ thánh triều, Thái Tổ Cao Hoàng đế khai cơ lập nghiệp, trọng đạo sùng Nho, bắt đầu dựng trường quốc học mà nền văn liền đó mở ra…”
Trích “Văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710): “Nhân tài là nguyên khí của nước nhà, nguyên khí vững chắc thì thế nước mạnh. Khoa mục là đường chính của sĩ tử, đường chính rộng mở thì thế đạo thái bình…”
Câu đối của Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Trời chưa làm mất tư văn, đừng thấy Tống mà lo, đừng thấy Khuông mà sợ / Đạo ta vững do nguyên khí, không vì Tần mà mất, không vì Hán mà còn”
Câu đối trên Tứ Trụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được Grill Jean Sébastien (người Pháp) thể hiện dưới dạng thư pháp độc đáo, lấy cảm hứng từ hình âm dương.
“Hội chữ xuân 2023” được tổ chức từ ngày 15/1 đến ngày 29/1/2023 tại Hồ Văn - Gò Kim Châu thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!