Tôi đã trở lại Hà Nội một tháng sau khi kết thúc hành trình làm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, Đồng Nai. Thế nhưng cảm giác háo hức vui sướng khi được trực tiếp tìm hiểu cuộc sống của động vật vẫn thường trực trong tâm trí. Có lẽ do trước đó tôi đã xem nhiều bộ phim về thế giới tự nhiên, về những cuộc gặp không báo trước tại các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở châu Phi, đã ước mong một lần được trải nghiệm, dù ngắn ngủi, điều đó vẫn làm tôi thổn thức. Tôi biết về chương trình này qua chị Trang – một travel blogger cá tính được nhiều bạn trẻ yêu thích, và chỉ đợi thời điểm phù hợp là lên đường.
Cát Tiên đón tôi vào một ngày đầy nắng, ngôi nhà gỗ xinh xắn mang tên Hero House là nơi chúng tôi ở. Đây là ngôi nhà do ông Phùng Mỹ Trung – một chuyên gia sinh vật học với tình yêu thiên nhiên tha thiết đã tự bỏ tiền túi để xây dựng và mở ra hoạt động tình nguyện viên nhằm lan tỏa tình yêu với rừng. Và đúng là tình yêu của chúng tôi cứ lớn dần hơn sau mỗi ngày gắn bó với Cát Tiên.
Tuần đó, nhóm tình nguyện viên có 4 người đến từ Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, chỉ riêng tôi là từ Thủ đô, xa xôi nhất trong nhóm. Anh Tường và chị Khanh thuộc thế hệ 8x nay đã nghỉ hưu sớm và muốn dành thời gian cho các hoạt động cộng đồng. Còn Duyên và Hân là những sinh viên đại học muốn có một tuổi trẻ đáng nhớ, ý nghĩa. Điểm chung của chúng tôi là tình yêu thiên nhiên và mối quan tâm với động vật hoang dã.
Ngôi nhà chung của các tình nguyện viên tại VQG Cát Tiên
Mỗi ngày, chúng tôi đến Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật trong VQG Cát Tiên theo giờ hành chính như các anh chị nhân viên khác. Chúng tôi được hướng dẫn cắt gọt củ quả làm thức ăn cho từng loài thú, cách cho chúng ăn để đảm bảo an toàn, vệ sinh khuôn viên trung tâm và chuồng trại. Những công việc tưởng chừng như bình thường ấy lại trở nên thú vị bởi các câu chuyện mới mẻ về động vật. Trung tâm là nơi tiếp nhận, cứu chữa và tái thả một số loại động vật quý hiếm, nguy cấp trong khu vực miền Nam. Từ tình yêu và trách nhiệm của đội ngũ bác sĩ thú y, những con thú đã được "hồi sinh" một lần nữa, nếu đủ khả năng sẽ được trở về ngôi nhà thiên nhiên của mình. Trong quá trình đó, may mắn là chúng tôi đã được tham gia đi tiếp nhận Cu li – một loài vật đáng yêu nhưng có độc bị lạc vào nhà dân. Các hành vi đối với loài này đều phải hết sức cẩn thận. Qua đó, chúng tôi lại hiểu hơn về đặc tính của nhiều loài và biết cách ứng xử với chúng.
Các loài động vật đang được chăm sóc ở trung tâm để tìm lại tập tính cho tới ngày được tái thả. Tuy nhiên, cũng có một số cá thể đã không còn khả năng để trở lại thiên nhiên hoang dã nữa
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chúng tôi thường thuê xe đạp để đi lang thang khám phá khu rừng như một du khách. Thậm chí trong các buổi nhặt rác du lịch, chúng tôi được góp chút sức nhỏ để làm quang cảnh trở nên sạch sẽ. Hoàng hôn ở Cát Tiên đẹp, đẹp bởi không bị che khuất vì những tòa nhà cao ốc, bởi màu xanh của tán lá khi quyện với màu cam của nắng chiều trở nên mỹ miều, quyến rũ kỳ lạ.
Càng đi sâu vào rừng xanh, tôi càng khám phá ra sức sống mãnh liệt của tự nhiên. Đó là cây tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi với phần gốc phải 20 người ôm mới xuể, là rừng cây bằng lăng chín ngọn, cây thiên tuế 700 năm tuổi,… Cát Tiên còn được mệnh danh là "ngôi nhà của muôn thú" với khoảng 96 loài thú, 94 loài bò sát, 903 côn trùng, 343 loài chim... Chính vì vậy, năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Hơn 10 năm về trước, ông Phùng Mỹ Trung đã xây ngôi nhà Hero House đầu tiên ở Núi Chúa, Ninh Thuận để tổ chức chương trình tình nguyện cứu hộ động vật hoang dã. Cho đến nay, Hero House đã có mặt ở VQG Bù Gia Mập (Bình Phước) và gần VQG Cát Tiên (Đồng Nai). Chương trình duy trì hàng tuần, các tình nguyện viên được ở đây miễn phí để thực hiện các công việc trong ít nhất một tuần. Có tham gia những hoạt động này mới hiểu tình yêu của ông Phùng Mỹ Trung dành cho thiên nhiên và trẻ em, mới hiểu vì sao lại có một người sẵn sàng đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức cho công tác bảo tồn như vậy. Xót những cánh rừng bị tàn phá, sinh vật rừng bị sát hại, ông đã thành lập nhóm "Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam" để gieo vào lòng trẻ em tình yêu và cách bảo vệ thiên nhiên. Thay vì chỉ đi chơi, con trẻ được tìm hiểu về môi trường sống xung quanh mình, về kỹ năng sinh tồn cần thiết. Mỗi buổi học về đa dạng sinh học, tiến hóa, côn trùng, lưỡng cư,… đều được giảng dạy bởi các nhà nghiên cứu, tiến sĩ chuyên ngành như thực vật, côn trùng, rắn,…
Ông Phùng Mỹ Trung và các lớp học cho trẻ nhỏ về sinh học
Dù học Đại học Kinh tế, hiện đang làm việc trong ngành hải quan, nhưng từ nhỏ ông Trung đã có tình yêu đặc biệt với tự nhiên. Ông có thể rong ruổi trong các khu rừng cả tháng chỉ để nghiên cứu và chụp lại những loài động vật mà ông yêu thích. Tại cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" năm 2000, ông Phùng Mỹ Trung lúc đó còn là một chàng kiểm lâm trẻ đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành giải nhất với phần mềm CD-Rom "Sinh vật rừng Việt Nam" – website về sinh vật rừng duy nhất hiện nay tại Việt Nam giúp các sinh viên và người nghiên cứu dễ dàng tìm kiếm thông tin. Với đam mê cháy bỏng miệt mài, đến nay ông đã phát hiện và công bố 20 loài mới, được 2 giải thưởng báo chí về bảo tồn.
Có người từng nói: "Luôn có giai điệu âm nhạc giữa những cái cây trong vườn, nhưng trái tim của chúng ta phải rất yên tĩnh để nghe thấy nó". Khi được sống những ngày yên bình hòa nhịp với thiên nhiên, chúng tôi thấy yêu cuộc sống này hơn từ cái cây, ngọn cỏ, từ ánh mắt thơ ngây của những loài động vật còn không biết sự sống của mình đang bị đe dọa. Đi để thấy thế giới rộng lớn, đất nước mình thì vô cùng phong phú. Làm tình nguyện để trái tim mở rộng dung lượng yêu thương muôn loài muôn vật. Từ đó, ai cũng trân trọng hơn những giá trị của thiên nhiên và có ý thức về bảo tồn.
Nhóm tình nguyện viên tại VQG Bù Gia Mập, Bình Phước có những trải nghiệm đáng nhớ tại đây
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!